70 năm truyền thống ngành GTVT

Phá đường tiêu thổ kháng chiến diễn ra như thế nào?

22/01/2015, 17:05

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam Bộ, trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn.

Chúng mưu toan chiếm Nam Bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương. Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, từ đêm 19/12/1946, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và T.Ư Đảng, cả nước tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến. Gần một tháng sau, ngày 16/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân thực hiện tiêu thổ kháng chiến.

Thực hiện chủ trương trên, các lực lượng GTVT cùng nhân dân các địa phương tham gia phá các cầu đường, làm tê liệt hệ thống giao thông chính, trên quy mô toàn quốc, nhằm ngăn chặn bước tiến của quân thù.

Trước năm 1945, hệ thống cầu đường trên các trục chính của Việt Nam vốn đã bị xuống cấp nghiêm trọng do thiên tai và do quân đồng minh đánh phá. Chỉ tính riêng đường 1A có tới hơn 100 đoạn hư hỏng nặng gây ách tắc giao thông nhiều tỉnh. Chính quyền mới đang có chủ trương khôi phục. Nhưng để ngăn chặn bước tiến của quân đội Pháp đến các địa phương, ta buộc phải tiêu thổ kháng chiến. Vì thế trong hai năm 1947 và 1948, chúng ta đã buộc phá hủy hầu hết các tuyến đường chính.

Chỉ riêng các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, dân các tỉnh đã phá hàng chục km đường tại các QL1, 2, 3, 5, 6,11 và đắp nhiều ụ chướng ngại, ụ chiến đấu, ngăn chặn quân địch. Cầu Việt Trì và cầu Phủ Lạng Thương bị phá sập, toàn bộ nền và đường sắt tuyến Hà Nội - Mục Nam Quan, Yên Viên - Lào Cai… cũng bị bóc dỡ. Các cầu lớn đều bị đánh sập. Nhiều cầu đi chung cũng như đi riêng với đường sắt cũng bị phá.

Tại miền Trung, ta đã phá trên 10.700 km đường ô tô, 30 nghìn m cầu các loại, trong đó có cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cầu Yên Xuân, cầu Cấm ( Nghệ An)… và gần như toàn bộ tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh. Toàn bộ tuyến đường sắt từ Huế đến Quảng Nam cũng bị ta phá, làm tê liệt hoàn toàn.

Tại Nam bộ, nhiều tuyến đường chính như QL1A Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Buôn Ma Thuột, Sài Gòn - Cà Mau, Biên Hòa - Long Thành, Xuân Lộc - Bà Rịa cũng bị phá.

Chỉ trong thời gian ngắn, các hệ thống đường bộ trên khắp các miền bị cắt đứt, đặc biệt là các đường trục chính từ Hà Nội đi các nơi và từ Bắc vào Nam, từ Hà Nội lên các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc. Do có thế trận này, nhiều địa phương quân Pháp không kiểm soát được, ta vẫn có nhiều vùng tự do.

Chu Soàn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.