Chuyện dọc đường

Phá lệ bắt người tiêu dùng làm con tin

23/05/2014, 06:15

Rất nhiều năm rồi, người tiêu dùng Việt Nam mới được đón nhận thông tin tích cực từ thị trường sữa, đó là giá nhiều sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi có thể giảm đến cả trăm nghìn đồng/hộp...


Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ năm 2009 đến năm 2012, mặt bằng giá sữa đã tăng gấp hai lần, sau khi trải qua 17 lần tăng giá với mức tăng trung bình 30%/năm. Bộ Tài chính mới đây cũng công bố kết quả thanh tra cho thấy, từ 2013 đến hết quý I/2014, giá sữa của 5 doanh nghiệp lớn tiếp tục tăng từ 2,4-30,6% tùy mặt hàng. 


Điều đáng nói, giá sữa tăng liên tục không liên quan nhiều đến yếu tố chất lượng, mà chủ yếu do chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị quá lớn. Bộ Tài chính đã kết luận, phần chi phí liên quan đến các khâu nói trên tại 4 doanh nghiệp được thanh tra vượt qui định gần 400 tỷ đồng, làm tăng giá thành và giá bán sản phẩm sữa từ 2,18% đến 16,39%. Còn theo nghiên cứu của Bộ Công thương, chi phí quảng cáo, tiếp thị của các hãng sữa luôn cao gấp 1,5 - 2 lần so với quy định, và tất cả đều tính vào giá bán đến người tiêu dùng. Bất hợp lý là, nhiều thời điểm như giữa năm 2011 đến cuối năm 2012, nguyên liệu sữa thế giới giảm song giá sữa trong nước vẫn tăng giá. 


Đáng bức xúc, tình trạng bất hợp lý này diễn ra trong một thời gian rất dài, song các cơ quan quản lý vẫn gần như đứng ngoài cuộc, để mặc người tiêu dùng loay hoay, tằn tiện nhiều khoản chi phí khác để bù đắp cho chi phí về sữa tăng lên. Có thể nói, qui định về giá trần lần này là biện pháp quyết liệt đầu tiên của cơ quan quản lý, “cưỡng chế” các doanh nghiệp sữa phải hạ giá bán! 


Tuy nhiên, để quy định này thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan phải kết hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu có, nhất là trong quản lý giá bán lẻ của hàng trăm nghìn cửa hàng trên khắp cả nước. Cùng với đó, các chính sách cũng đủ chặt chẽ để xử lý trong trường hợp doanh nghiệp lách luật, chẳng hạn như ra mắt một dòng sản phẩm mới nằm ngoài 25 sản phẩm đã được khống chế giá trần...


Thực tế đã cho thấy, rất nhiều mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa bình ổn giá, n‑hư xăng dầu, gas, sắt thép, gạo, đường ..., song giá cả vẫn luôn thách thức người tiêu dùng khi thường xuyên “tăng nhanh nhưng giảm chậm”. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng đã trở thành “con tin” để các doanh nghiệp mặc cả về chính sách ưu đãi, song quyền lợi cuối cùng lại rơi vào túi doanh nghiệp. Ngay với quy định áp trần giá sữa, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng, từ “kêu khóc”, phản đối đến cả đánh tiếng ngừng kinh doanh, nhằm mặc cả, gây sức ép đến cơ quan quản lý.

Xuân Thu
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.