Chính trị

"Phải biến đồng vốn nhỏ phát triển như Thánh Gióng của nền kinh tế"

21/05/2022, 18:23

Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022.

Chiều 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại tỉnh Gia Lai. Hội nghị này nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai 1932 -2022.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai

"Đúng làm ăn phải có lợi nhuận nhưng các doanh nhân còn phải chia sẻ, biến kiến thức, hiểu biết của mình để làm giàu cho một vùng đất, đó cũng có lẽ là niềm vui.

Tôi hy vọng các nhà đầu tư hôm nay đã mang hy vọng đến thì là phải nuôi hy vọng. Phải biến những đồng vốn nhỏ hôm nay phát triển nhanh như Thánh Gióng của nền kinh tế. Các doanh nghiệp hãy yêu vùng đất con người để nghĩ thật, làm thật chứ đừng hứa mà không làm”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian qua, bối cảnh nền kinh tế - xã hội của cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, năm 2021 lại là năm thực sự khởi sắc của kinh tế tỉnh Gia Lai. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 9,71% so với năm 2020; tổng thu ngân sách đạt gần 7.900 tỷ đồng; tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 70.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 là 1.480 triệu USD tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.

Ông Võ Ngọc Thành Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, “năm 2021, có 60 dự án được tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư, với số vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng.

Có những dự án lớn hoàn thành, đưa vào trong năm 2021 đã tạo sức bật cho nền kinh tế tỉnh nhà như: 11 dự án điện gió với tổng công suất 563 MW, tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng; dự án trang trai chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên (Thaco) với tổng mức đầu tư 1.162 tỷ đồng, công suất nuôi 100.000 con/năm; Trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng CNC, Công ty cổ phần nông nghiệp CNC Hưng Sơn quy mô 217 ha, vốn đầu tư 149 tỷ đồng; Dự án dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE, vốn đầu tư 1.100 tỷ, công suất 1.000 tấn sp/ngày;...

img

Toàn cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022

Vị thế giao thông quan trọng ở Tây Nguyên

Theo tỉnh Gia Lai, không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, những năm vừa qua, hạ tầng giao thông của Gia Lai được đầu tư đồng bộ với các tuyến quốc lộ 19 (từ TP.Pleiku đến cảng Quy Nhơn dài 160km). Quốc lộ 25 (từ TP. Pleiku đến TP. Tuy Hoà dài 220km), đường Hồ Chí Minh (trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai dài 115,18 km).

Cảng hàng không Pleiku cũng được nâng cấp mở rộng đủ khả năng tiếp đón các loại máy bay tầm trung, với tần suất từ 14 đến 20 chuyến đi, đến/ ngày, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh Gia Lai với nhiều địa phương trong cả nước...

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 845.000 ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan - loại đất rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng yêu cầu độ phì cao, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 21 cụm công nghiệp, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, chè,... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Gia Lai cho biết, "Tỉnh đang “mở cánh cửa” chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh bao gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.

Đây cũng là 3 lĩnh vực trụ cột được tỉnh đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới “Xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, ông Thành nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư khởi đầu của năm nhằm tạo ra cơ hội giao lưu, gặp gỡ và lan tỏa thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh Gia Lai.

Thủ tướng yêu cầu bộ ngành giúp đỡ Gia Lai

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về cơ hội, thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Gia Lai có rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; trong đó có, hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không và tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp. Thủ tướng đề nghị, địa phương cần phải phát triển hạ tầng giao thông cơ bản, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng kinh tế...

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, tạo không gian phát triển mới; tiếp tục cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng...

“Mà tỉnh đã giúp đỡ là phải làm, phải tìm cách, chứ không thể mãi phụ thuộc. Chúng ta đi lên từ bàn tay, khối óc, bằng vùng trời, vùng núi của mình. Đừng sợ! Đừng ngồi trông chờ!”, Thủ tướng nhắc đồng thời nhấn mạnh thêm: "Chính phủ chống sự chạy chọt, làm các dự án theo kiểu manh mún. Không để xảy ra tiêu cực, chạy chọt, chia nhỏ các dự án để hạn chế sự phát triển".

Đối với các doanh nghiệp, cũng cần nâng cao uy tín, trách nhiệm của mình. Sau hội nghị này, ai cam kết gì thì cố gắng mà làm.

“Tôi từng dự nhiều hội nghị, nghe hoành tráng lắm. Các doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư hàng chục ngàn tỉ. Nghe như sắp có tiền, sắp giàu đến nơi rồi. Thế nhưng sau 4 năm, có nơi báo lại chẳng đầu tư được dự án, đồng vốn nào được rót về địa phương. Rồi địa phương lại tổ chức xúc tiến đầu tư, tôi nghe thế thì bảo xúc tiến làm để làm gì nữa, lại hy vọng rồi thất vọng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp, tạo điều kiện, giúp đỡ tỉnh Gia Lai khắc phục khó khăn, hạn chế, khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển, trên tinh thần chân thành, tin tưởng, trách nhiệm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin-cho”, tiêu cực.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng và chứng kiến lễ ký 29 biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng vốn đăng ký hơn 115.000 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.