Chính trị

Phải giảm mạnh bội chi, nợ công

22/01/2016, 18:10

Bội chi ngân sách phải giảm từ 5,5% hiện nay xuống còn 4% trong giai đoạn 2016-2020 mới đảm bảo bền vững ngân sách.

ttxvn__thu_truong_do_hoang_anh_tuan__thao_luan_220

Đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu kiến nghị của Bộ Tài chính trong phiên thảo luận chiều 22/1 tại Đại hội.

Bội chi ngân sách gấp gần 2 lần chuẩn quốc tế

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Nghị quyết Đại hội XI giao ngành Tài chính thực hiện 4 chỉ tiêu: động viên Ngân sách, thu chi Ngân sách, kiểm soát bội chi; quản lý nợ công.

Trong 5 năm qua, nhiệm vụ động viên ngân sách đã được ngành Tài chính hoàn thành trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, giảm Thuế Thu nhập cá nhân, giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp, tăng mức  hỗ trợ doanh nghiệp... Thu ngân sách năm sau tăng thu cao hơn năm trước. Quy mô thu ngân sách tăng 2 lần giai đoạn trước và 5 lần giai đoạn 2001-2005. Ngân sách TƯ đóng vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương tăng 19%/năm nguồn lực 5 năm qua. Thu từ kinh doanh trong nước tăng lên 74%, thu dầu thô 6%...

Tuy nhiên, nhìn lại 5 năm qua, công tác quản lý ngân sách còn không ít thách thức, trong đó đáng chú ý là bội chi ngân sách vẫn ở mức 5,5% và nếu tính theo chuẩn quốc tế, bao gồm cả Trái phiếu Chính phủ thì lên tới 5,8% - gấp gần 2 lần so với mức bội chi bền vững so với tiêu chuẩn quốc tế là 3%.

Do vậy, để đảm bảo ngân sách phát triển bền vững, ông Tuấn cho rằng, cần bổ sung chỉ tiêu liên quan đến cơ cấu thu ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững. Chẳng hạn, phấn đấu nguồn thu ngân sách từ thuế, phí nội địa lên 80% (hiện trên 70%); thu từ dầu thô, tài nguyên, thuế nhập khẩu phải giảm tỷ trọng xuống còn nhỏ hơn 5% nguồn thu NS. “Như vậy mới đảm bảo ổn định nguồn thu trong điều kiện giá dầu giảm, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế. Bởi theo lộ trình, chúng ta phải giảm tới 11.600 dòng thuế, trong đó tính tới năm 2015, ta đã cắt giảm 8.300 dòng thuế”, ông Tuấn nói.

Cùng với đó, theo ông Tuấn, cần phải tiết kiệm thu, chi thường xuyên để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tốc độ chi đầu tư phát triển cần tăng nhanh hơn chi thường xuyên. Giảm cơ cấu chi thường xuyên xuống dưới 60%; đảm bảo bội chi 4% và mức này phải được kiểm soát trong cả giai đoạn 2016-2020; kiểm soát nợ công dưới 65% ...

Cổ phần hóa phải đi vào thực chất

Để thực hiện được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị một số giải pháp: Thứ nhất, phải đổi mới thể chế chính sách động viên đảm bảo tính hợp lý, cạnh tranh. Đồng thời, cải cách tất cả thủ tục hành chính liên quan DN, để tạo môi trường cho kinh doanh phát triển.

Thứ hai, phải hoàn thành nhiệm vụ xã hội hóa, tự chủ hóa khối sự nghiệp công trước 2018, với lĩnh vực giáo dục trước 2019, tối thiểu tự chủ tài chính được 80% yêu cầu của ngành để dồn nguồn lực cho khu vực còn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng cận nghèo...

Thứ 3, phải phát triển thị trường tài chính. Theo đó, phải tăng tỷ trọng huy động vốn của doanh nghiệp trực tiếp từ nền kinh tế qua thị trường chứng khoán, để sao cho doanh nghiệp bớt lệ thuộc vào tín dụng.

Thứ 4, phải phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa theo hướng đi vào thực chất. Bởi theo ông Tuấn, tính theo số lượng doanh nghiệp, đến 2015, chúng ta đã cổ phần hóa được 95% về lượng, nhưng mới chỉ thoái được 5,2% trong tổng số 1,48 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước nắm giữ.

Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng quỹ phát triển doanh nghệp dân doanh, xây dựng phương thức thuế riêng cho doanh nghiệp dân doanh và cơ chế tín dụng cho DN vừa và nhỏ... 

Hôm nay (22/1), Đại hội đã làm việc cả ngày tại hội trường thảo luận các văn kiện của Đại hội XII. Buổi sáng Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. 

Buổi chiều, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước điều hành phiên họp. Đã có 22 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan phát biểu ý kiến.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có bài tham luận về Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Ngày mai (23/1), Đại hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XII và nghe báo cáo của BCH TƯ khóa XI về công tác nhân sự BCH TƯ khóa XII.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.