Chuyện dọc đường

Phải gỡ thể chế cho thu phí không dừng

18/03/2019, 11:00

Bản chất của BOT cũng là tiền của dân, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu thông tin dự án đó phải công khai minh bạch...

img
Làn thu phí tự động tại Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh Tạ Tôn

Chủ trương triển khai thu phí không dừng là đúng đắn vì những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội, môi trường, giúp minh bạch thu phí và giảm ùn tắc giao thông.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án và nỗ lực để cuối năm nay dự án “về đích” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, những chần chừ, thận trọng của người dùng đối với giải pháp này cho thấy công tác triển khai cho đến công tác truyền thông về dự án chưa đạt như kỳ vọng. Khi người dân chưa đủ thông tin, chưa hiểu chính xác về những bước đi của các cơ quan chức năng và sử dụng dịch vụ chưa thuận tiện nên còn e dè.

Vấn đề minh bạch trong thu phí các dự án BOT đang được dư luận quan tâm vì xu hướng minh bạch thông tin để phục vụ lợi ích cộng đồng là không thể đảo ngược. Tôi cho rằng, trong quá trình triển khai, để đạt được sự minh bạch này sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến lợi ích của một số người. Khi đó, cơ quan quản lý và người dân cùng phải quyết tâm, vừa vận động thuyết phục nhưng đồng thời cũng cần có những bước đi cụ thể, rõ ràng để giải pháp tốt này đi vào cuộc sống.

Bản chất của BOT cũng là tiền của dân, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu thông tin dự án đó phải công khai minh bạch các khoản thu và dùng như thế nào. Xã hội muốn giảm được tiêu cực, xu hướng công khai, minh bạch là giải pháp tốt nhất. Thu phí không dừng tuy không phải là chìa khóa vàng nhưng cũng là giải pháp tốt để thực hiện việc này.

Để người dân sớm được sử dụng dịch vụ này, thời gian tới cần đồng bộ cả về xây dựng hạ tầng thu phí và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích người dân sử dụng. Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị tại các trạm thu phí là đúng, tuy nhiên việc quan trọng hơn là tháo gỡ cơ chế để lái xe dùng dịch vụ. Thực trạng hiện nay là chúng ta yêu cầu nhà đầu tư BOT triển khai nhanh nhưng lại chưa có cơ chế để khuyến khích người dân nạp thẻ và sử dụng dịch vụ. Phải làm song song 2 việc này mới giải quyết được bài toán thu phí không dừng, nếu không sẽ rất dễ lãng phí trong đầu tư.

Những băn khoăn của dư luận về số tiền nạp vào tài khoản phải sinh lãi và an toàn hay kết nối liên thông tài khoản để dễ sử dụng là hoàn toàn có cơ sở. Ở góc độ quản lý, tất cả những vấn đề này cần sớm có giải pháp cụ thể để dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân. Cần phải có cơ chế để người dùng có thể tự động chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản giao thông khi cần sử dụng dịch vụ. Để thu hút được người dùng, có thể áp dụng giống như cơ chế thanh toán của thẻ tín dụng Visa cho ghi nợ trước, trong tài khoản của chủ phương tiện dù không có tiền vẫn được qua trạm. Tuy nhiên, VETC lại không muốn áp dụng hình thức thanh toán này do lo ngại phải “thả gà ra đuổi” nên các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc xây dựng cơ chế thu lại số tiền này và có sự đảm bảo của ngân hàng.

Dự án có thành công hay không tất cả là do chủ quan của chúng ta, về mặt kỹ thuật không có rào cản, về kinh tế tài chính không phải là nằm ngoài tầm tay. Ngoài việc kiên trì vận động người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích và ủng hộ, điều quan trọng nhất là các cơ quan cơ chức năng liên quan làm sao có được kế hoạch triển khai song song để vừa có cơ sở hạ tầng thu phí không dừng, đồng thời tuyên truyền để nhiều người dân ủng hộ. Trong đó, cần có các chỉ tiêu theo dõi đánh giá tiến độ sẽ biết được chậm ở đâu để có giải pháp khắc phục.

Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.