Chuyện dọc đường

Phải gỡ video, hình ảnh học sinh nhảy lầu tự tử

02/04/2022, 10:52

Công an cần xử lý người lan truyền clip ra cộng đồng. Clip cần được gỡ xuống ngay lập tức trên các mạng xã hội.

img

1. Ám ảnh, đau xót, giận dữ là cảm xúc của nhiều người khi xem hình ảnh cuối cùng về cậu bé lớp 10 nhảy lầu sau khi để lại bức thư gửi bố mẹ.

Chúng ta:

Ám ảnh vì sự việc quá bất ngờ và sốc.

Đau xót vì mất mát quá lớn.

Giận dữ tìm nguyên nhân và trút lên người trong cuộc những chỉ trích.

Mấy dòng chữ nguệch ngoạc trong vở địa, một câu nói kìm nén cuối cùng trước mặt cha, một chỉ dẫn về thời gian (3g30 sáng) ghi trên clip đã khiến chúng ta trở thành những quan tòa.

Một phiên tòa mà nạn nhân không có cơ hội thanh minh (ai thanh minh nổi với những cáo buộc đầy rẫy trong hàng trăm, hàng nghìn group).

Một phiên tòa mà mọi thông tin trong “cáo trạng” chắp vá, không thể nói đúng bản chất sự việc.

Ai có thể nói thay họ? Vào 3 giờ sáng, người bố ngồi ép con học hay ngược lại hoàn toàn, người bố bỗng nhiên phát hiện thấy giờ đó con vẫn còn thức, nói nặng lời và con phản ứng như vậy?

Ai có thể nói thay họ? Cậu bé đã gặp những vấn đề trong cuộc sống như thế nào? Bố mẹ đã thái quá trong cách can thiệp vào tình cảm, các mối quan hệ của con hay còn điều gì khác?

2. Ai trong chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình cậu bé để biết sẽ đớn đau thế nào khi nhìn thấy những giây phút cuối cùng của con và câu chuyện riêng tư của cả gia đình bị mổ xẻ trên mạng với quá nhiều thông tin võ đoán.

Họ vẫn cần phải sống tiếp.

Và đương nhiên họ có quyền được bảo vệ. Hiến pháp đã quy định rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.

Công an cần xử lý người lan truyền clip từ camera gia đình ra cộng đồng. Clip cần được gỡ xuống ngay lập tức trên các mạng xã hội.

Về điều này, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó và các thành viên trong gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

3. Xin hãy rút ra kinh nghiệm cho chính mình thay vì chia sẻ đoạn video với những chỉ trích.

Theo chỉ dẫn của một người bạn, tôi đã lập tức đọc bài giảng "học cách sử dụng ái ngữ và cách lắng nghe sâu” của thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi nhận thông tin sốc về sự việc. Và thật sự bất ngờ khi tìm được lời giải cho chính mình. Tôi dẹp bỏ những chỉ trích, phiền não và tìm hiểu cách cần thay đổi.

Đúng như lời dạy của thiền sư. Trong câu chuyện này, cậu bé và bố mẹ đã không có tiếng nói chung. Truyền thông giữa các thành viên gia đình bị cắt đứt. Có thể cậu bé không được lắng nghe, thấy cách bố mẹ can thiệp vào cuộc sống riêng của mình là thái quá. Bế tắc sẽ mang đến khổ đau. Cậu bé trở thành một trái bom sắp nổ. Và biết đâu được, chính bố mẹ của cậu cũng có những stress riêng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giảng thế này: "Trong chúng ta, nhiều người đã đánh mất khả năng lắng nghe và nói lời ái ngữ. Vì vậy, ngay cả trong gia đình, ta vẫn thấy rất đơn độc. Chúng ta dễ cáu kỉnh, bực bội, mỗi lần mở miệng, lời nói của ta trở nên chua chát, đắng cay. Nếu không sửa đổi, chúng ta không thể thành công trong việc tái lập sự hòa hợp, yêu thương và hạnh phúc".

Rõ ràng, khi đặt vấn đề ở góc nhìn này, thì câu chuyện cậu bé lớp 10 từ bỏ cuộc sống vì "quá mỏi mệt', cảm thấy không được lắng nghe đã không còn là chuyện riêng của gia đình nọ. Đó có thể là câu chuyện trong mỗi gia đình chúng ta.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.