Quản lý

Phải kéo giảm ít nhất 5% số người tử vong do TNGT

04/08/2016, 11:15

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa...

1

CSGT kiểm tra xử lý vi phạm tại nút giao Lạc Long Quân - Âu Cơ (Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tuấn

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp kiểm điểm công tác đảm bảo TTATGT tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 của Ban Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia chiều 3/8.

Nhiều thách thức

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tình hình TTATGT trong tháng 7 tiếp tục có chuyển biến tích cực, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, container được kéo giảm so với những tháng đầu năm. TNGT đường bộ và đường sắt tiếp tục giảm sâu, qua đó góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

“Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn còn nhiều phức tạp, nhất là số vụ TNGT đường thủy nội địa vẫn tăng 28,57% số người chết so với cùng kỳ. Chỉ tiêu giảm từ 5 - 10% số người chết vì TNGT vẫn chưa đạt được”, ông Thái nói.

7 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 11.852 vụ TNGT, làm chết 5.023 người, làm bị thương 10.286 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.058 vụ, giảm 144 người chết, giảm 1.360 người bị thương.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, QL1 còn 438 điểm đen TNGT cần phải xử lý. Trên toàn hệ thống quốc lộ còn trên 800 điểm đen phải xử lý với kinh phí khắc phục trên 1.700 tỷ đồng. Trong kế hoạch bảo trì năm 2017, ông Huyện đề nghị trước mắt cần bố trí khoảng 500 tỷ đồng xử lý các điểm đen nhỏ.

Trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, TNGT trong 7 tháng có giảm nhưng để đạt được mục tiêu giảm 5-10% chưa đạt yêu cầu. Dù trong tháng 7 số người chết do TNGT đã giảm rất sâu so với tháng 6 (giảm 116 người) nhưng theo Thiếu tướng Hà, tình trạng vi phạm giao thông vẫn phức tạp, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn, tình trạng xe khách chạy vòng vo đón trả khách… “Vì vậy, việc tăng nặng chế tài xử phạt là cần thiết. Chúng tôi theo dõi qua 2 ngày thực hiện Nghị định 46 với mức xử phạt cao hơn tình hình vi phạm và TNGT đã có chuyển biến”, Thiếu tướng Hà nhấn mạnh.

Đề cập vấn đề này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, trong triển khai Nghị định 46, lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp có vai trò quan trọng. Ngày đầu tiên triển khai nghị định mới người dân còn nhiều thắc mắc. Vì vậy, việc giải thích cho người dân hiểu là rất cần thiết.

2

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp của Ban thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia chiều qua (3/8)

Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp

Liên quan đến việc xử lý điểm đen TNGT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN phân loại điểm đen trên hệ thống quốc lộ theo hướng phân loại thứ tự ưu tiên, bố trí nguồn vốn để xử lý ngay. Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ VN cần xây dựng cơ chế chỉ định thầu trong xử lý điểm đen.

Trước thực trạng tranh giành khách của các doanh nghiệp vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần chỉ đạo các đơn vị của Bộ GTVT và các Sở GTVT thống nhất quan điểm đối với những tuyến vận tải hành khách cố định với cự ly dưới 100km mà tần suất 15 phút/chuyến chuyển thành tuyến xe buýt kế cận để việc điều hành được tập trung.

Đề cập đến vấn đề xe quá niên hạn, ông Hùng cho rằng, cần triển khai đợt cao điểm trong cả nước để xử lý dứt điểm loại xe này. Liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, ông Hùng cho rằng, các cơ sở y tế cần phải kiểm tra nồng độ cồn 100% đối với nạn nhân TNGT để có đánh giá tổng thể về nguyên nhân dẫn đến TNGT. Ông Hùng lấy ví dụ, tỉnh Bến Tre vừa kiểm tra 100 người, tất cả đều có nồng độ cồn vượt quá quy định.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là phải giảm cả 3 chỉ tiêu về TNGT. Tuy nhiên, chỉ tiêu về giảm số người chết phấn đấu tối thiểu là giảm 5%. Chỉ tiêu này trong 7 tháng đầu năm có giảm nhưng còn ở mức thấp, mới chỉ đạt gần 3%, mặc dù riêng trong tháng 7 có giảm được trên 4%. Từ nay đến cuối năm để đạt được mục tiêu giảm 5-10% là nhiệm vụ rất khó khăn, vì vậy các cơ quan chức năng cần có giải pháp cấp thiết, quyết liệt mới đạt được.

Bộ trưởng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành thành viên, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các  giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân và tập huấn lực lượng chức năng các quy định của Nghị định số 46. Cùng đó, cần chú trọng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án có liên quan bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là hoàn thiện Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường lực lượng TTKS, xử lý vi phạm TTATGT, trong đó chú trọng xử lý các hành vi uy hiếp trực tiếp đến ATGT như: Vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chở hàng hóa quá tải trọng cầu đường, chở quá số người quy định... 

Không sắp xếp lại luồng tuyến, Hà Nội sẽ ùn tắc

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Một trong các giải pháp chống ùn tắc giao thông là Hà Nội sẽ rà soát, sắp xếp lại toàn bộ luồng tuyến vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các tuyến đi các tỉnh phía Nam và phía Bắc để tránh đi xuyên tâm. Chúng tôi mới “động đến” 4 tỉnh nhưng ngay sau đó 4 tỉnh này đã có ý kiến phản đối. Chúng tôi cũng biết là việc điều chỉnh này sẽ “đụng chạm” đến doanh nghiệp nhưng với mục đích cao nhất của Hà Nội là giảm ùn tắc giao thông, nếu không làm, từ nay đến Tết đường sẽ tắc. Vì mục tiêu chung phải bớt một chút lợi ích của doanh nghiệp, các tỉnh để sắp xếp lại luồng tuyến”. Ông Viện đề nghị Bộ GTVT ủng hộ việc thực hiện giải pháp này của Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm của Sở GTVT Hà Nội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng: “Trong công tác quản lý Nhà nước, đôi khi cần phải có một số biện pháp mạnh, có thể lúc đầu bị cho là cực đoan. Một số doanh nghiệp, địa phương sẽ “kêu” nhưng quan trọng nhất vẫn phải vì lợi ích số đông người dân bản địa. Bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ có phản ứng, nhưng phản ứng đó dần dần sẽ được điều chỉnh. Bộ GTVT đồng tình với giải pháp của Hà Nội, đây mới là thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước”.

T.D

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.