Thời sự

Phải làm rõ chế độ trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên CP

08/11/2014, 07:58

Luật Tổ chức Chính phủ chưa làm rõ chế độ trách nhiệm từ Thủ tướng đến các thành viên Chính phủ, sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương, ĐB Nguyễn Đình Quyền phát biểu.

"Ví dụ như vụ Tiên Lãng. Vậy vai trò, trách nhiệm của 3 cấp chính quyền địa phương, bộ, ngành chủ quản như thế nào?", ông Quyền đặt câu hỏi và đề nghị, bộ trưởng phải là người cuối cùng, chính là Chính phủ trong lĩnh vực quản lý đó, chứ không phải Thủ tướng.

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cũng cho rằng,Thủ tướng, Bộ trưởng không phải là người quản lý mà phải là người lãnh đạo, phải làm chiến lược, chủ trương, đường lối… Những việc sự vụ phải là các thứ trưởng đảm nhiệm.

ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) - ảnh D.H
ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) - ảnh D.H

Liên quan đến vấn đề tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và đại diện phần vốn nhà nước của các bộ, ngành tại các DN, tập đoàn Nhà nước, luật hiện hành quy định: "Bộ, cơ quan ngang Bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn nhà nước". Tuy nhiên, trên thực tế, chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước chỉ thực hiện đối với một số Bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế.

Trước đó, thẩm tra dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của QH cũng tán thành việc không quy định Bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn nhà nước và đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ để quy định cụ thể về cơ chế tổ chức, hoạt động nhằm thực hiện chức năng này trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đề cập đến quy định về Văn phòng Chính phủ trong Luật Tổ chức Chính phủ sáng 7/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì Văn phòng Chính phủ không khi mà quản lý từng lĩnh vực kinh tế-xã hội đã có các bộ, ngành và mỗi bộ, ngành đều có văn phòng riêng? "Nếu chúng ta không làm rõ trong luật thì sẽ vẫn còn những xì xào rằng Văn phòng chính phủ là cơ quan siêu bộ, siêu quyền lực”, ông Quyền nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, "câu chuyện" này đã được bàn khá lâu nhưng vẫn đang vướng. “Chúng ta luôn xác định chủ thuyết tiến tới tách bạch rạch ròi giữa quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh nhưng trên thực tế, các bộ chuyên ngành vẫn đang quản lý các tập đoàn, DN nhà nước qua việc can thiệp, quản lý về vốn, con người, tổ chức… Như vậy là các bộ, ngành vẫn tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh”, ông Quyền cho hay.

Đồng quan điểm này, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu quan điểm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải tập trung làm công tác quản lý Nhà nước, ít can thiệp vào các hoạt động sự nghiệp, nếu không sẽ dẫn tới sự "méo mó" về quản lý, thậm chí là làm phát sinh lợi ích nhóm.

Còn theo ĐB Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh), trong tương lai, một số DN nhà nước lớn, tập đoàn phải có đạo luật riêng. Hàng năm phải báo cáo hoạt động trước QH. "Họp Quốc hội chính là hội nghị đại cổ đông, chứ không thể giao hết cho Chính phủ", ĐB Tp. Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Tiến Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.