Xã hội

Phải phạt nghiêm hành vi hút thuốc nơi công cộng

13/12/2020, 15:52

Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng gây bức xúc và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Nhiều người dân muốn xử thật nghiêm hành vi này.

img

Nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên hút thuốc lá khi dừng đèn đỏ tại ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh

Vừa đi xe vừa phì phèo thuốc lá

Chiều 6/12 tại ngã tư Tố Hữu - Vạn Phúc, Hà Nội, khi nhiều người đứng chờ đèn đỏ, bất ngờ họ thấy khói thuốc lá từ đâu tỏa mùi nồng nặc rất khó chịu.

Chếch mắt về hướng nhìn bên tay phải, họ thấy 2 người đàn ông mặc áo công nhân ngồi trên một chiếc xe máy đang phì phèo hút thuốc, chốc chốc lại phả hơi thật dài ra xung quanh. Dù rất khó chịu nhưng những người bên cạnh cũng chỉ biết phản ứng bằng cách lấy tay chỉnh lại khẩu trang và quay mặt về hướng khác.

Một lần khác, tại ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhiều người dừng chờ đèn đỏ cũng rất bức xúc khi phải hứng chịu khói thuốc là từ nam thanh niên đi xe máy BKS 30 F8 - 2514 không đội mũ bảo hiểm. Anh này thản nhiên hút thuốc và nhả khói ra xung quanh, bất chấp thái độ khó chịu của nhiều người.

Chị H, một người đang đứng chờ đèn tín hiệu bức xúc nói: “Bực thật, mình đang bầu bí mà đi đường chốc chốc dừng đèn đỏ lại thấy người hút phả khói thuốc vào. Cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm hành vi này bởi hiện tại tôi chưa tận mắt chứng kiến trường hợp hút thuốc trên đường nào bị xử phạt, dù quy định đã có từ lâu”.

Theo Bộ Y tế, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; Địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

Cần mạnh tay xử lý

Trao đổi với Báo Giao thông, Ths. Bs Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng Phòng Y tế dự phòng (Cục Y tế GTVT) cho biết, hút thuốc lá thụ động gây nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc lá thụ động có nhiều gấp 3 đến 4 lần các chất độc hại. Khói thuốc có thể tồn tại ở tất cả các khu vực công cộng và đặc biệt không có mức an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc.

“Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em”, BS. Thu cho hay.

Ngoài ra, theo BS. Thu, ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân.

Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi, làm suy yếu khả năng học hỏi của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Việc xử phạt thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ T.Ư tới địa phương, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an và UBND các cấp. Tuy nhiên, việc xử lý hiện nay còn nhiều khó khăn và số vụ bị xử phạt cũng rất ít. “Quy định đã có hiệu lực, rất mong các đơn vị chức năng làm mạnh tay và nghiêm khắc để đảm bảo cho Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được thực thi nghiêm túc”, BS. Thu kiến nghị.

Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (Nghị định 117), trong đó quy định: Hành vi hút thuốc lá tại địa điểm bị cấm có thể bị phạt tới 500.000 đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.