Con đường phát triển mới của Đảng sau 86 năm thành lập |
Ngày thành lập Đảng 3/2 năm nay diễn ra vào một thời điểm đặc biệt khi Đảng ta vừa tiến hành Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, đánh dấu chặng đường 30 năm đổi mới. Với một Đảng cầm quyền suốt chiều dài lịch sử 86 năm qua, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách thì trong thời kỳ mới - thời kỳ của hội nhập mạnh mẽ, trọng trách đặt lên vai của Đảng cũng vì thế mà ngày càng lớn hơn. Nhân dân tin tưởng, Đảng sẽ vững lái tay chèo, tiếp tục lãnh đạo đất nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội XII là nhìn lại quá trình 30 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới. Nhìn lại để nhận rõ những ưu điểm, thành tựu mà chúng ta đã đạt được. Nhưng quan trọng hơn là chỉ ra những những yếu kém, hạn chế và thách thức trong thời gian tới.
Tại diễn đàn Đại hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, 30 năm qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 4 lần, tỉ lệ hộ nghèo từ trên 50% đã giảm xuống dưới 5%. Tuy nhiên, tiềm năng cho sự phát triển đang ngày càng hạn hẹp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh |
Ông Bùi Quang Vinh chỉ ra 3 thách thức cho sự phát triển của đất nước: “Thứ nhất, Việt Nam đang trong cơ hội ngắn ngủi còn lại của dân số vàng. Theo tính toán, cơ hội này chỉ kéo dài đến năm 2020 hoặc 2025. Thứ hai, động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế. Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn”.
Vì 3 lý do trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Vậy, chúng ta sẽ tiếp tục đổi mới bằng cách nào? Đại hội XII đưa ra mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Đại hội yêu cầu trong 5 năm tới, phải phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đạt được mục tiêu này. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội XII vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, muốn nền kinh tế bứt phá trong thời gian tới thì phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp dân doanh.
“Để phát triển doanh nghiệp dân doanh, chúng tôi cho rằng, cần phải thiết phải xây dựng một luật riêng để khuyến khích doanh nhgiệp dân doanh. Thứ hai, là phải xây dựng một chính sách thuế và phương thức tính thuế riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ ba là xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ thay cho cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam tuyên bố “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới”. Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục xác định mục tiêu của đổi ngoại là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Với chủ trương đó, Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước, quan hệ kinh tế -thương mại, đầu tư với 224 thị trường, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương…
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Tại Đại hội XII, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, vị thế mới của đất nước có được là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và bản lĩnh của Đảng ta. Tuy nhiên, quá trình hội nhập nhanh chóng, nhất là hội nhập về kinh tế cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức. Chúng ta phải tận dụng các cam kết quốc tế để mở rộng thị trường, tái phân bổ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp Việt Nam; gia tăng mức độ tự chủ của nền kinh tế, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Để hội nhập thành công, ông Phạm Bình Mình chỉ ra những vấn đề quan trọng của công tác đối ngoại trong 5 năm tới: “Thứ nhất, thực hiện triệt để phương châm triển khai đồng bộ các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; Thứ hai là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, thúc đẩy quan hệ chính trị, thương mại, đầu tư… Thứ ba, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, trong đó tăng cường phổ biến các cam kết quốc tế đã cam kết, đã nội luật hóa, các quy định trong quá trình triển khai, biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động, tích cực của các địa phương , doanh nghiệp, người dân. Thứ tư, triển khai các định hướng lớn về hội nhập được nêu trong Văn kiện Đại hội”.
Đại hội XII đã bầu được Bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng với sự kế thừa, liên tục, 3 độ tuổi. Dư luận quốc tế cho rằng, cuộc chuyển giao ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa cho thấy sự ổn định chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này. Trên nền tảng của sự ổn định ấy, Ban chấp hành Trung ương khóa mới sẽ tiếp tục gánh vác sứ mệnh mà nhân dân giao phó, đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước bước sang một giai đoạn mới, đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ như Đại hội XII xác định.
Đối với những Ủy viên Trung ương khóa XII, họ cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trước thời cơ và vận hội mới của đất nước. Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi thấy rằng, giai đoạn mới sẽ là thời khắc quan trọng để Việt Nam cất cánh. Trách nhiệm của các Ủy viên Trung ương trong thời gian tới rất nặng nề, không có cách gì khác, tự các Ủy viên Trung ương phải xác định đước trách nhiệm của mình, tự đổi mới mình, tự chỉnh đốn mình với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 trong thời gian tới. Chúng tôi nghĩ rằng hàng triệu trái tim cả nước chờ đợi và gửi gắm ở chúng tôi, không lẽ nào chúng tôi phụ lòng tin ấy”.
Đại hội XII đã thông qua Nghị quyết nhằm định hướng phát triển đất nước trong 5 năm tới. Trong đó, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết là thực hiện cho được các giải pháp, nhiệm vụ nhằm "mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận