Giao thông

Phải trả phí, nhà xe vẫn được lợi (kỳ 6)

28/05/2015, 07:26

Nhiều lái xe cho biết đi đường BOT dù phải trả phí nhưng thời gian giảm, tốn ít xăng dầu nên vẫn lợi.

82
Dự án BOT cầu Cổ Chiên mới khánh thành rút ngắn 70km đường TP Hồ Chí Minh - Trà Vinh, giúp người dân Bến Tre và Trà Vinh thoát khỏi cảnh “lụy phà”
Ảnh: Minh Tuấn

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, hầu hết nhà xe đều khẳng định dù phải trả phí nhưng lưu thông trên đường BOT chi phí vẫn thấp hơn do đường êm thuận, tiết kiệm nhiên liệu, giảm thời gian lưu thông, giảm khấu hao và sửa chữa phương tiện.

“Chìa khóa” giúp các địa phương cất cánh

Từ đầu năm 2015 đến nay, hàng loạt công trình thuộc các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ, với nhiều dự án thành phần được đầu tư bằng hình thức BOT đã hoàn thành vượt tiến độ kế hoạch đề ra, đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu của chính quyền và nhân dân các địa phương vùng dự án đi qua. Các tuyến đường với những diện mạo mới, khang trang hơn, rộng mở và hiện đại hơn đang làm đổi thay bộ mặt của nhiều địa phương.

Được đầu tư với tổng số tiền hơn 19 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa chiếm gần một nửa với bốn dự án BOT, dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã hoàn thành vào đầu năm 2015 chỉ sau gần hai năm triển khai. Tuyến đường hiện đại với chiều dài 315 km, gồm bốn làn xe mở rộng được đưa vào khai thác không chỉ tăng cường năng lực vận tải, tiết giảm thời gian đi lại mà còn giúp các tỉnh Bắc Trung bộ thu hút đầu tư phát triển KT-XH.

“Trước đây, đi từ Vinh ra Hà Nội phải mất cả ngày nhưng từ khi dự án hoàn thành thời gian di chuyển đã rút xuống chỉ còn khoảng bốn giờ. Tuyến đường mới giúp Nghệ An tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, ngăn chặn và kéo giảm TNGT, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương thông thương hàng hóa dễ dàng với các vùng miền. Có thể nói, đây chính là chìa khóa mở toang cánh cửa giúp Nghệ An đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển KT-XH”, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ với Báo Giao thông.

Tỉnh Thanh Hóa, địa phương có 118 km của dự án mở rộng QL1 đi qua cũng đang được hưởng lợi lớn từ con đường mới. Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Lê Anh Tuấn cho hay, kể từ khi dự án hoàn thành, thời gian di chuyển của các phương tiện từ TP Thanh Hóa đến Khu kinh tế Nghi Sơn đã giảm xuống một nửa, chỉ một tiếng thay vì hai giờ đồng hồ so với trước đây. Khu kinh tế Nghi Sơn được quy hoạch với diện tích lên đến 2.500 ha. Đến nay, diện tích sử dụng đã chiếm đến 70%, ước tính sẽ thu hút hơn 300 nghìn người làm việc trong tương lai. “Trước đây, khoảng cách Hà Nội - Nghi Sơn hơn 200 km là một rào cản lớn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại điều kiện đi lại thuận lợi sẽ là cơ hội để Thanh Hóa gỡ bỏ rào cản, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu kinh tế này”, ông Tuấn nói.

Ở khu vực phía Nam, dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên theo hình thức BOT cũng vừa được khánh thành hôm 16/5 đã rút ngắn 70 km quãng đường từ TP Hồ Chí Minh đi Trà Vinh. Công trình hoàn thành là niềm mong ước bao đời của người dân hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh bởi từ nay họ đã thoát khỏi cảnh “lụy đò” mỗi khi qua sông Cổ Chiên. Với Trà Vinh, một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế do giao thông cách trở trong bao năm qua thì cầu Cổ Chiên hoàn thành chẳng khác nào đòn bẩy kinh tế, hút vốn đầu tư.

Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, công tác xây dựng khu kinh tế Định An và luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đang được triển khai gấp rút. Cầu Cổ Chiên đi vào khai thác góp phần quan trọng cho việc đi lại, vận chuyển thiết bị phục vụ thi công các dự án cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. “Cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng sẽ làm kinh tế tỉnh Trà Vinh và vùng lân cận phát triển”, ông Lâm bày tỏ sự tin tưởng.

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi lớn

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nhiều dự án giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT được đưa vào khai thác trong thời gian qua đã và đang mang lại lợi ích rõ rệt cho các doanh nghiệp vận tải. Ông Thanh dẫn chứng, trước đây, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải phàn nàn về mức phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai đắt và tỏ ý vẫn muốn di chuyển theo đường cũ (QL70). Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi hiệu quả kinh tế của tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam đã được chứng minh, các doanh nghiệp vận tải lại đổ dồn vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai để đi. “QL1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh được đưa vào khai thác từ đầu năm đến nay cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các doanh nghiệp vận tải. Tuyến đường mới rộng rãi hơn, khang trang hơn, an toàn hơn đã giúp các doanh nghiệp vận tải rút ngắn thời gian di chuyển và tiết kiệm nhiên liệu”, ông Thanh nói.

Là người trực tiếp trải nghiệm sự thay đổi của tuyến QL1, anh Hồ Văn Toàn (40 tuổi, trú tại Nghệ An), tài xế của một doanh nghiệp vận tải hàng hóa có trụ sở tại TP Vinh (Nghệ An) cho biết, trước đây, QL1 nhỏ hẹp lại hay xảy ra ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn. Mỗi lần chở hàng từ Nghệ An cho các thương lái ngoài Hà Nội, các tài xế luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn cách trở, chi phí đi lại cũng rất tốn kém.

“Đến nay, nỗi ám ảnh về tắc đường đã không còn nữa. Thời gian vượt quãng đường hơn 300 km chỉ còn vài giờ nên khoảng cách giữa Nghệ An và Thủ đô ngày càng được xích lại gần hơn. Điều làm tôi vui mừng hơn cả là sau khi khấu trừ chi phí xăng dầu, phí sử dụng đường bộ,… mỗi chuyến đi đã tiết giảm được gần 400 nghìn đồng so với trước đây”, anh Toàn chia sẻ. Đối với các tuyến đường cao tốc thì lợi ích và hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân và doanh nghiệp còn lớn hơn nhiều. Theo tính toán, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp người sử dụng giảm 50% thời gian đi lại và giảm 30% chi phí.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC chia sẻ, trước đây nhiều doanh nghiệp vận tải ngại đi cao tốc vì phí cao. Nhưng nay, tại nhiều bến xe, các hãng vận tải lấy tiêu chí đi đường cao tốc để cạnh tranh về chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách. “Nhiều nhà xe cho biết, nếu xe không đi cao tốc thì hành khách sẽ không đi”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Phạm Xuân Đường, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty CP Vận tải Đường Việt (Hà Nội)- đơn vị vận tải hàng hóa thường xuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết: “Chúng tôi đã tính toán rất kỹ, so với tuyến cũ, đi đường cao tốc sẽ tiết kiệm thời gian được gần bốn tiếng, giảm được 40 km so với đi QL70. Đối với loại xe 8 tấn, mức tiêu hao từ Hà Nội đi Lào Cai tính ra là 30 lít/100km nếu đi đường cũ. Còn đi cao tốc chỉ khoảng 20-23 lít/100 km. Tổng thể hai chiều xe tiết kiệm được khoảng 15 lít xăng. Bởi vậy, khi đi theo đường mới, quãng đường ngắn hơn, chi phí nhiên liệu ít hơn, giảm chi phí phát sinh như ăn, ngủ, khấu hao phương tiện… nên tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu đồng/chuyến hàng”, ông Đường khẳng định.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Người dân nên chia sẻvới Nhà nước vì sựphát triển chung

83
 

Hiện nay, trên thế giới, năng lực về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông là thước đo thể hiện sự tiến bộ của một quốc gia. Đối với nước ta hiện nay, nhu cầu đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách lại rất hạn hẹp. Nếu không kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, chúng ta không thể đạt được các mục tiêu phát triển KT-XH như mong đợi.

Một số người dân có thể phàn nàn về chuyện phải đóng phí. Tuy nhiên, xét về tổng thể, để phát triển KT-XH, các dự án BOT giao thông tạo ra cơ hội để giao lưu, buôn bán, giao thương, vận chuyển và giúp quá trình lưu thông hàng hóa tốt hơn. Thông thường, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thu lại vốn bao giờ cũng khó hơn các đầu tư khác. Vì thế, khi kêu gọi được vốn xã hội hóa đầu tư thì phải cho nhà đầu tư thu phí. Đây là một chủ trương đúng đắn, nếu không làm theo thì giao thông không thể phát triển được.

Từ trước đến nay, người dân đã quen sử dụng các công trình công cộng. Những công trình dân dụng, giao thông, cơ sở hạ tầng chủ yếu là tiền đầu tư của Nhà nước bỏ ra, nhưng phải nhớ rằng, Nhà nước chỉ lo được đến một giai đoạn nào đó. Hiện nay, với các dự án BOT, chúng ta đang từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông với tốc độ nhanh hơn. Chúng ta có nhiều con đường tốt hơn, an toàn hơn, giảm được chi phí vận chuyển thì người dân cùng phải gánh một phần để cùng chia sẻ với Nhà nước vì mục tiêu phát triển chung của quốc gia.

Hoài Thu (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.