Bên lề

Phạm Nhật Vượng- Ứng viên tiềm năng chức Chủ tịch VFF bị "bỏ quên"

31/03/2018, 17:09

Là người giàu nhất Việt Nam, ông Vượng sẽ cống hiến nhiều hơn cho bóng đá nước nhà nếu tham gia BLĐ VFF.

Ông Phạm Nhật Vượng

Ông Phạm Nhật Vượng

Hôm nay 31/3, là hạn cuối VFF nhận đề cử ứng viên vào Ban chấp hành VFF khóa mới. Đây là cơ hội cuối cùng để các tổ chức thành viên của VFF đề cử nhân sự cho tổ chức lãnh đạo bóng đá Việt Nam trong những năm tới.

Thời gian qua, nhiều lùm xùm, ầm ĩ liên quan đến công tác nhân sự của Đại hội VIII khiến người hâm mộ càng thêm thất vọng với thượng tầng của bóng đá Việt Nam. Đấu đá nội bộ, chiêu trò, thâu tóm chức quyền là những gì người yêu bóng đá nước nhà có thể nhìn rõ ở tổ chức này những năm qua.

Cuộc đua “nóng” nhất ở kỳ Đại hội này là vị trí Chủ tịch VFF và Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và tài trợ. Có 4 ứng cử viên cho chức Chủ tịch VFF là ông Nguyễn Quốc Tuấn (Phó Chủ tịch VFF khóa VII), ông Lê Quý Phượng, ông Nguyễn Công Khế và ông Cấn Văn Nghĩa. Ông Tuấn được nhiều đơn vị đề cử nhưng Phó chủ tịch hiện tại của VFF, ông Đoàn Nguyên Đức lại đánh giá ông Tuấn làm Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn mới hợp lý bởi theo đánh giá của ông chủ HAGL, ông Tuấn “chưa đủ khả năng làm Chủ tịch VFF” nhưng lại có thể thực hiện rất tốt vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Ông Đức cho rằng ngoài ông Tuấn, không ai có thể làm tốt vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn.

Vị trí “nóng” thứ hai là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và tài trợ. Vị trí này “nóng” không phải vì có nhiều ứng viên mà bởi chỉ có duy nhất ông Trần Anh Tú đồng ý ra tranh cử. Chỉ có 1 ứng viên cho một vị trí, và ông Tú trước đó lại đảm trách nhiều vị trí quan trọng khác nữa như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF  kiêm trưởng ban Tổ chức giải,  nên bầu Đức đã phản đối quyết liệt. Cách đây ít hôm, đã có thêm một ứng viên khác nữa cho vị trí này là ông Trần Văn Liêng, Giám đốc công ty Vinacacao.

Tuy nhiên, dường như các tổ chức thành viên của VFF có thể đã bỏ qua một ứng cử viên tiềm năng cho cả hai chức danh nói trên: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ông Phạm Nhật Vượng là người khá kín tiếng trên truyền thông. Được biết đến là một trong những đại gia với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Tuy nhiên ông Vượng cũng đã lấn sân vào bóng đá nhiều năm qua.

Minh chứng rõ nhất là sự đầu tư mạnh tay của ông vào Trung tâm đào tạo trẻ PVF. Vị tỷ phú này sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng không làm bóng đá kiểu ăn xổi. Thay vào đó, ông đầu tư từ “gốc”: đào tạo trẻ. Mới đây, tập đoàn Vingroup cũng đã đầu tư một cơ sở đào tạo vô cùng hiện đại tại Văn Giang (Hưng Yên). Sản phẩm của lò đào tạo PVF này đã góp phần không nhỏ trong chiến công dự giải U20 World Cup năm 2017.

Trung tâm đào tạo PVF ngoài việc được đầu tư hiện đại ngang ngửa với những trung tâm lớn của thế giới cũng có những chuyên gia, HLV hàng đầu. Thậm chí, ông Vượng cũng không tiếc tay mời Ryan Giggs, huyền thoại của MU về làm giám đốc Trung tâm. Có thể thấy ông Vượng đang làm bóng đá không ầm ĩ nhưng thực sự bài bản, khoa học. Cũng không khó nhận ra tầm nhìn xa của doanh nhân này trong cuộc đua ở môn thể thao vua. Vì vậy, ông Vượng hoàn toàn nên có một vị trí lớn trong ban lãnh đạo VFF khóa mới.

Nếu ông Vượng ứng cử chức chủ tịch VFF chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức thành viên. Kể cả vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và tài trợ mà không ai dám ngồi vào bấy lâu nay cũng hoàn toàn thích hợp với doanh nhân này. Với vị thế là người giàu nhất Việt Nam, ông Vượng sẽ có nhiều cơ hội đóng góp, tài trợ cho bóng đá nước nhà, hoặc sẽ dễ dàng kêu gọi tài trợ hơn cho các ứng viên khác. Trong khu vục, một tỷ phú khác cũng đang hoạt động rất hiệu quả cho bóng đá nước mình là ông Zaw Zaw, tỷ phú Myanmar. Đây chính là tấm gương rõ ràng nhất để người hâm mộ có thể tin tưởng vào ông Vượng khi tham gia ban lãnh đạo VFF.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.