Hiện nay trên mặt báo, cả báo in và báo điện tử đang “nóng hổi” câu chuyện phản biện về đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trước đó không lâu là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Báo chí tham gia phản biện là đúng, bởi đây là 2 dự án, 2 công trình vĩ đại của đất nước, dưới nhiều góc độ.
Đối với đường bộ cao tốc Bắc - Nam, quá trình đấu thầu chọn nhà đầu tư các dự án sẽ bắt đầu từ tháng 10 tới. Tháng 3/2010 sẽ chấm thầu, phê duyệt kết quả. Việc đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rõ, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Tất cả các điều kiện, tiêu chí của các hồ sơ dự thầu đều được xem xét chặt chẽ, không chỉ quan tâm đến yếu tố giá thầu mà phải xem xét trên cả các điều kiện về năng lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ, máy móc, thiết bị, nhân sự cũng như kinh nghiệm thực hiện thành công dự án tương tự, uy tín, chất lượng…
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng từng nêu quan điểm rõ ràng trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư kể cả phương pháp chấm điểm.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội nhiều người hồ hởi chia sẻ các bài báo có tít giật gân với các bình luận: Đấu thầu cuối cùng chỉ quân xanh quân đỏ gây thất thoát, dọn đường cho nhà thầu Trung Quốc thi công... khiến dư luận nhìn đại dự án với rất nhiều góc nhìn tiêu cực.
Hiện nay, việc tính toán tổng mức đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo ý kiến của Bộ KH&ĐT chỉ 26 tỷ USD, rẻ hơn 32 tỷ USD so với phương án Bộ GTVT trình Thủ tướng cũng rất “nóng” trên báo chí.
Gần như các báo đều “vào cuộc”.
Quá trình triển khai, Bộ đã tổ chức 4 hội nghị, hội thảo chuyên đề và các báo cáo (đầu, giữa và cuối kỳ) để xin ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan và các chuyên gia. Đồng thời, Bộ cũng trực tiếp làm việc, có ý kiến chính thức với 20 địa phương có đường sắt đi qua.
Tính đến ngày 5/1/2019, có 9/10 bộ, ngành cơ bản thống nhất với đề xuất hồ sơ Bộ GTVT trình Thủ tướng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tư vấn trong nước (được sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài) đã đề xuất tổng mức đầu tư dự án là 58,7 tỷ USD và trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Về phân kỳ và phân đoạn đầu tư, Bộ GTVT nói rõ, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã nghiên cứu khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp nợ công của nền kinh tế.
Vì sao giảm được 32 tỷ USD? Rõ ràng là 2 “kịch bản” hoàn toàn khác nhau, chứ không phải cùng một “kịch bản” mà bên thì thấp, bên thì “vống” lên.
Để dự án triển khai còn cần bàn, cần tính và phải chờ cấp có thẩm quyền quyết định, cao nhất là Quốc hội. Không có chuyện, một Bộ thích “vẽ, vống” lên bao nhiêu cũng được.
Câu chuyện đặt ra một vấn đề, nếu phản biện không khéo, không đầy đủ luận cứ và sự tương tác với những cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu... thì sẽ rất nguy hiểm.
Trong bối cảnh, mỗi người dân là một kênh truyền thông, thông tin dễ bị nhìn nhận phiến diện, méo mó trên mạng xã hội trong “hội chứng” nhà nhà phản biện, đôi khi chỉ vì một cái tít gây sốc.
Chưa bao giờ, các đơn vị và ngay cả các cá nhân cũng dễ gặp “khủng hoảng” truyền thông như hiện nay. Phản biện là tốt nhưng phản biện khi chưa đầy đủ thông tin dễ dẫn đến mù quáng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận