Chất lượng sống

Phân biệt mâm ngũ quả 3 miền Bắc-Trung-Nam

29/01/2022, 09:19

Mỗi vùng miền có quan niệm và sản vật khác nhau, do đó mâm ngũ quả cũng có cách trình bày khác nhau.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.

img

Mâm ngũ quả miền Bắc đặc trưng với chuối và bưởi hoặc phật thủ

Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt

Cách trình bày truyền thống, chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.

Do hoa quả, trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, người ta cũng không câu nệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả, thêm chùm nho mọng, thêm táo xanh, ớt đỏ, hồng xiêm… Dù bày biện nhiều loại quả hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.

Mâm ngũ quả miền Trung

Khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau và đặc trưng là hoa quả được trồng tại đây.

Các loại quả thường thấy, thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt.

img

Mâm ngũ quả miền Trung đặc trưng là dứa, dưa hấu

Mâm ngũ quả miền Nam

Mâm ngũ quả miền Nam có: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung đọc thành "cầu vừa đủ xài sung" hay "cầu sung vừa đủ xài".

Các loại quả thường thấy: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

img

Sung và xoài là hai loại quả đặc trưng trên mâm ngũ quả miền Nam và không có chuối, cam

Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt, như: Chuối đọc nghịu thành chúi nhủi, làm ăn không phất lên được. Lê, táo (bom): Lê lết, đổ bể, dễ thất bại. Cam, quýt: Quýt làm cam chịu.

Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc và đủ đầy.

Nguồn gốc và ý nghĩa mâm ngũ quả

Theo nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Đình Hải (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người Việt Nam), nguồn gốc, ý nghĩa của ngũ quả được ghi chép và giải thích trong kinh Vu Lan (Vu Lan bồn kinh), đó là 5 loại trái cây mà các tì khưu phải nấu chín hoặc gọt vỏ mới được ăn. Thứ nhất là loại quả có hạt như táo, hạnh, đào, mận. Thứ hai là loại quả có da như dưa, lê, dâu. Thứ ba là loại quả có vỏ như dừa, hồ đào, thạch lựu. Thứ tư là loại quả có vỏ sần sùi như tùng, bách. Thứ năm là loại quả có góc cạnh như ấu, các loại đậu lớn nhỏ...

"Năm loại trái cây trên đây vốn được dùng để cúng dàng (cúng dường) trong pháp hội Vu lan bồn, sau dùng để cúng trong nghi lễ thờ Phật, rộng ra là trong lễ tiết cúng tế nói chung", ông Hải nói.

Nhà nghiên cứu chia sẻ, nhiều tư liệu ghi trong khoảng thế kỉ V, VI hoặc VII trước Công nguyên cho thấy khi Đức Phật tại thế ở Ấn Độ đã có tục cúng dàng ngũ quả. Ở Trung Quốc, truyền thuyết cho rằng thế kỉ VI sau Công nguyên, vua Vũ Đế nhà Lương là người đầu tiên tổ chức lễ Vu Lan, sau đó thời Đường, thời Tống thịnh hành rồi lan tỏa ra dân chúng và dùng trong nghi lễ cúng dường nói chung. Vào dịp Tết, các nước có Phật giáo thịnh hành thường bày mâm ngũ quả dâng tiến Phật tăng và tiên tổ.

"Bởi vậy, ý nghĩa sâu xa nhất của mâm ngũ quả là nói về đạo hiếu. Mâm ngũ quả là phẩm vật trang trọng nhất trên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết. Điều đó cho thấy người Việt Nam đặc biệt coi trọng đạo hiếu", ông Hải nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.