Quản lý

Phân cấp cho địa phương tổ chức giao thông cao tốc thế nào?

18/08/2022, 10:00

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giao địa phương tổ chức giao thông cao tốc cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, tránh phân cấp xong không thực hiện được.

Nhiều thay đổi trong quản lý, bảo trì đường cao tốc

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ một tỉnh gần như “trắng” về đường cao tốc, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh có nhiều tuyến đường cao tốc với tổng chiều dài lên tới 200km.

img

Dự thảo nghị định mới được kỳ vọng tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, trách nhiệm của UBND tỉnh, doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc (Trong ảnh: Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn). Ảnh: VNE

Ở mỗi dự án, Quảng Ninh đều trình Trung ương cho phép được đứng ra thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công tư.

Với cách thức này, Quảng Ninh đã nhanh chóng có cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn và đang đầu tư xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Mô hình của Quảng Ninh được coi như hình mẫu về việc xây dựng các tuyến cao tốc của cả nước.

Tuy nhiên, nói riêng về công tác quản lý, khai thác và bảo trì các tuyến đường, vẫn còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, trách nhiệm của UBND tỉnh, doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/2022, trong đó yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc tổ chức giao thông và quản lý, bảo trì đường cao tốc do địa phương đầu tư.

Thực hiện chủ trương này, Bộ GTVT đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Dự thảo nghị định đề xuất những chính sách phân quyền, phân cấp rõ ràng hơn cho địa phương.

Cụ thể, cơ quan quản lý đường cao tốc không chỉ là các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, mà còn có cả cơ quan chuyên môn về GTVT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, dự thảo đã phân công, phân cấp cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, thỏa thuận phương án tổ chức giao thông trong trường hợp đường cao tốc của Bộ GTVT hoặc của địa phương khác đầu tư xây dựng kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình.

Để phù hợp với tình hình thực tế, dự thảo quy định, Bộ GTVT chịu trách nhiệm về nội dung phương án tổ chức giao thông, việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc trong trường hợp đặc biệt, các trường hợp tạm dừng khai thác sử dụng đường cao tốc, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc; phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý.

Bộ GTVT cũng chịu trách nhiệm thỏa thuận phương án tổ chức giao thông với UBND cấp tỉnh trong trường hợp đường cao tốc do địa phương đầu tư xây dựng, kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT.

Giao địa phương chủ động

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định cho hay: Chính quyền địa phương khi đầu tư, xây dựng đường cao tốc thuộc địa phương mình thì sẽ căn cứ vào quy hoạch giao thông và quy hoạch tỉnh. Việc tổ chức giao thông là một nội dung, nhu cầu xác định trước khi đầu tư xây dựng đường cao tốc. Vì vậy, phải giao cho địa phương để họ chủ động.

Chỉ có điều khác với trước, khi tổ chức giao thông trong trường hợp đặc biệt, Bộ GTVT sẽ phê duyệt theo đề nghị của địa phương, lần này sẽ phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Quản lý, khai thác đường cao tốc đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Năng lực tổ chức và yêu cầu cao về kỹ thuật, tính chuyên môn và chuyên nghiệp là các yếu tố quan trọng trong quản lý, bảo trì đường cao tốc. Chỉ nên phân cấp cho các địa phương đáp ứng được các tiêu chí này. Người gánh được 30kg nhưng bắt họ gánh 70kg thì họ không có năng lực thực hiện.

PGS.TS. Trần Chủng


Lý giải về lo ngại giao cho địa phương tổ chức giao thông sẽ tạo ra sự không đồng bộ trên cùng một trục tuyến cao tốc, ông Điệp cho hay, dự thảo nghị định cũng quy định trường hợp đường cao tốc do Bộ GTVT đã đầu tư, nếu UBND tỉnh khác có đầu tư đường nối vào đường cao tốc này thì sẽ có sự thỏa thuận với Bộ GTVT về việc tổ chức giao thông liên thông giữa 2 tuyến đó.

Trong trường hợp một tỉnh đã đầu tư đường cao tốc, tỉnh khác muốn đầu tư đường cao tốc kết nối cùng với tỉnh này thì hai tỉnh sẽ có sự bàn bạc, phối hợp để kết nối giao thông thuận lợi trên hai đường cao tốc giữa hai địa phương cùng đầu tư.

“Ví dụ như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn vừa đi qua địa phận Hải Phòng, vừa đi qua địa phận Quảng Ninh thì hai địa phương cần có sự phối hợp nhau, để làm sao mạch giao thông thông suốt, khi tổ chức thu phí sẽ hạn chế nhiều trạm, cả công tác kiểm soát tải trọng xe và nhiều nội dung khác”, ông Điệp nói.

Cũng theo ông Điệp, giao cho địa phương đầu tư giao thông sẽ phát huy tối đa nguồn lực của các tỉnh, thành.

Thực tế trước kia, chỉ có chưa đến 10 tỉnh có thể tự cân đối được ngân sách, còn hiện nay đã có khoảng 16 - 17 địa phương đã đảm bảo ngân sách.

“Nhu cầu vận tải của các địa phương tăng rất nhanh, nếu cứ trông chờ vào nguồn vốn Trung ương sẽ không kịp thời và không linh hoạt. Vì vậy, địa phương có thể làm đường cao tốc dài hoặc ngắn là do địa phương lựa chọn theo hướng phù hợp”, ông Điệp nói và nhấn mạnh, hiện có nhiều địa phương đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng cao tốc.

Tuy vậy, với quy định hiện hành, địa phương chưa được chủ động trong việc đầu tư, phát triển và tổ chức giao thông trên cao tốc phù hợp với tiềm năng kinh tế của mình.

Những quy định mới tại Dự thảo nghị định, trọng tâm là phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức giao thông trên cao tốc sẽ khắc phục được những bất cập này.

Cần bộ tiêu chí phân cấp

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho rằng, công trình đường cao tốc yêu cầu cao về tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, cứu hộ, cứu nạn. Bảo trì cao tốc cũng đòi hỏi năng lực các kỹ thuật phức tạp, nguồn lực vốn và công nghệ. Theo tính toán, chi phí bảo trì chiếm tới 40% tổng mức đầu tư tuyến đường.

Cũng theo ông Chủng, phân cấp cho địa phương đầu tư, quản lý bảo trì đường cao tốc là chủ trương đúng. Tuy nhiên, không nên phân cấp theo cách chỉ là một thủ tục hành chính thông thường.

Lấy ví dụ về phân cấp cho địa phương quản lý trường đại học, họ có đủ lực lượng, nhân sự, khả năng quản lý vận hành trường đó theo đúng chuẩn hay không, ông Chủng cho rằng, cần tạo cơ hội để người được phân cấp có đủ năng lực, đủ điều kiện để thực hiện.

“Có thể địa phương nào cũng nói mình đủ năng lực đầu tư, quản lý bảo trì đường cao tốc nên cần phải có tiêu chí về năng lực quản lý, năng lực về con người, thiết bị, nguồn vốn, kỹ năng tổ chức để kiểm soát. Đơn giản như đánh giá một vết nứt công trình cũng phải học mới làm được, chưa nói đến quản lý tài chính, quản lý chất lượng, tiến độ. Yêu cầu kỹ thuật quản lý đường cao tốc ngày càng phức tạp. Chỉ khi địa phương đáp ứng được bộ tiêu chí này mới phân cấp”, ông Chủng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, nếu giao cho địa phương đầu tư, quản lý như vậy thì mỗi địa phương có khả năng đầu tư theo nguồn lực của mình, địa phương nào nhiều tiền thì họ đầu tư, bảo trì theo cách của “nhà giàu”. Ngược lại, địa phương nào không có nguồn thu sẽ đầu tư, bảo trì theo cách “con nhà nghèo”.

“Địa phương nào có nguồn lực và kêu gọi được đầu tư nên để họ làm theo quy định chuẩn của các bộ, ngành ban hành, sẽ dễ dàng hơn và không tạo ra cơ chế xin - cho”, ông Quyền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.