Chất lượng sống

Phận đời du ngư trên lòng hồ Sê San

17/02/2018, 07:49

Trước khi đến với lòng hồ Sê San, ông Hai Triều không nhớ đã lênh đênh bao nhiêu sông nước ở Nam bộ...

65

Trẻ em trên hồ Sê San

Hành trình của chúng tôi dự định ban đầu chỉ tìm một chút “lạ” ở mảnh đất Tây Nguyên này, nhưng rốt cuộc, khi gặp những con người tha phương ở nhiều miền đất về đây hội tụ, mới thấy sẽ thật thiếu sót khi lãng quên họ… Đó là cảnh đời của những du ngư trên lòng hồ Sê San ở huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.

Những căn nhà nổi

Nắng chiều lấp lóa trên sông. Mùa này, lòng hồ Thủy điện Sê San nước mênh mang bờ bãi. Lòng sông sâu và rộng. Đứng bên bờ, lòng hồ trời chiều ngả bóng, con nước ì oạp vỗ. Ngó ra giữa lòng hồ, bóng hơn ba chục nóc nhà nổi trải dài như muốn chạy theo những nhịp sóng nước...

Người đàn ông mình trần, chạy xuồng máy đến đón chúng tôi là ông Hai Triều. Giúp chúng tôi ông Hai Triều cười sằng sặc nói ngay: Tui chở ra bè tối ni nhậu không về heng? Gựu (rượu) tao mới mua hai chục lít heng. Lâu không có khách quí, tối ni phải say. Heng!”.

Ông Hai Triều quê ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Giọng miền Tây, ông Triều kể về cuộc đời mình như phận thuyền lên thác. “Ở quê làm nghề chài lưới nên không có đất ruộng. Mùa nước nổi còn kiếm ăn được, còn mùa khô, chỉ có khói đốt đồng chẳng biết làm gì. Thế là cứ đi thôi”.  

Tạo điều kiện cho dân lên bờ an cư

Qua tìm hiểu, được biết, huyện Ia H’drai (Kon Tum) cũng đang quy hoạch vài ha đất để cấp cho dân ngụ cư lên bờ làm nhà, cho con cái có điều kiện học hành. Thượng tá Đỗ Tấn Bền, Trưởng Công an huyện Ia H’drai (Kon Tum) cho biết, chính quyền sẽ tiếp tục kiểm tra lý lịch, nhân thân rõ ràng, đủ điều kiện là cho nhập khẩu cư trú ở đây.

Thật ra, trước khi đến với lòng hồ Thủy điện Sê San, ông Hai Triều không nhớ mình đã lênh đênh bao nhiêu sông nước ở vùng Nam bộ, những hồ đập thủy điện ở Tây Nguyên rồi. Đời du ngư “móng đâu câu đó”, nơi nào nghe cá nhiều thì bạn chài điện thoại lại bắt xe tìm đến. “Ngót nghét 7 năm ở hồ Sê San. Đám đàn ông đi trước, đến cắm bè, thả lưới. Sau, thấy mần ăn được, thế là kéo vợ con, người thân lục tục đến sau. Cứ rày đây mai đó. Chưa có nơi nào làm quê hương thứ hai, có mảnh đất để cắm dùi an cư, cho con cái học hành và ước mơ một ngày nào đó lên bờ”, Hai Triều tâm sự, buồn tênh.

Nói thế thôi, chứ khi bị hỏi lại rằng, nếu cho lên bờ có lên không? Ông Hai Triều lại nấn ná. “Lên chứ. Nhưng... thích ở dưới nước hơn, thích đánh cá hơn. Chắc quen rồi. Chắc ở sông  nước nó ăn vào máu rồi. Chớ đi đâu xa nước vài ngày là nhớ đó mậy”, thế là phá lên cười.

Nhưng đôi mắt người đàn ông ngoài 50 lại ánh lên niềm vui lạ lùng khi nhắc chuyện ở sông. Mọi thứ cứ trong veo, hiền lành. Bởi lẽ, những chuyến đi qua mỗi vùng đất, mỗi lòng hồ, mỗi con sông là một hành trình mưu sinh.

Nói đoạn, ông Hai Triều lấy ghe chở tôi qua bè vợ chồng ông Đặng Văn Thân, cậu ruột. Cũng những ánh nhìn thâm trầm, nước da bóng phong trần. “Trước đây, cả một vùng sông nước quạnh hiu, tĩnh lặng, lòng hồ mênh mông, cá nhiều. Người tìm đến đây cứ bám theo lòng hồ thủy điện để hưởng lộc cá, tôm. Dù trời nắng hay mưa, dân xóm nhà bè đều lặn lội đánh cá, đứt một bữa là không có cá bán, lấy gì ăn, nuôi con trong ngày…”, ông Thân nhìn con nước lòng sông.  

66

Đánh bắt cá trên hồ Thủy điện Sê San

Trên lòng sông chảy ngược

Lòng hồ Sê San rộng lớn. Trời càng về chiều, bóng những nóc nhà nổi lại như vươn tới những bờ bãi. Lâu lâu lại chao lơi một cái bởi một cơn gió. Những đọt khô của cây cổ thụ vì lòng hồ tích nước ngập mà chết. Những ngọn khô ngoi lên lòng nước như bàn tay vững chãi cho những đứa trẻ nô đùa tắm trên lòng hồ làm chỗ dựa. Những bàn tay ấy còn là chỗ níu giữ những ngôi nhà nổi đỡ phải lắc lư theo sóng nước. Và, những người già quần đùi, mình trần lắc lư trên võng rít thuốc lá.

Hơn ba chục nóc nhà trên lòng hồ Sê San thì phải ít nhất hơn phân nửa là người ở các tỉnh miền Tây về đây hội tụ. 6-7 năm du ngư trên đất này, căn bè Tư Sơn (em ruột Hai Triều) và bà con có chắc chắn hơn, cuộc sống đỡ hơn tí chút. Ai cũng già đi và con cái được chính quyền cho lên bờ đi học. Biết thêm cái chữ để đọc báo, lướt facebook trò chuyện với người ở xa nhưng với những người đàn ông tứ xứ tụ họp về đây vẫn vậy: đêm thả lưới, giăng câu, ngày đi bán cá. Ai đó, có nhớ về cố hương thì thâm trầm bên chén rượu, tỉ tê với món nhậu quê nhà mang theo và kể chuyện quê mình. Lúc rảnh rỗi ngồi nhậu, rêu rao vài đoạn vọng cổ…

Anh Bảy Thuộc, người ở An Giang cũng đưa vợ và con đến lòng hồ này vào 7 năm trước. Theo nghiệp những con thuyền đi ngược, gia đình 5 người cắm bè giữa Sê San mưu sinh như những con rái cá. “Có hồi, cơ quan chức năng cứ phát hiện ở trên lòng hồ là xua. Có lúc bỏ bè… như đi lánh nạn. Người ta đuổi bên Kon Tum là chạy sang Gia Lai và ngược lại. Phận người không hộ khẩu ở đây trước đây là thế…”.

Trên lòng hồ Sê San có trên một trăm cư dân phiêu bạt từ khắp các nơi đến, sống bập bềnh chìm nổi theo con nước đầy vơi. Họ gắn bó cả đời với nghề đánh bắt cá, nhưng tận sâu trong lòng vẫn mơ ngày thoát kiếp vạn chài. Đêm nhậu trên bè nổi, rượu không nhiều nhưng chuyện thì nhiều. Mà người theo nghiệp sông nước thì hào sảng lắm. Gặp nhau nói chuyện hợp là nhậu. Chỉ cần bắc loa lên bật còi hụ rồi gọi hai tiếng “nhậu đê” là ai cũng cầm mồi đến góp nhậu, chả cần lý do… Dân sông nước mồi chủ yếu là cá và… cá. Nào là lẩu cá lăng sông, canh chua cá; cá tràu một nắng nướng; cá cơm sông chiên dầu. Mỗi lần nâng ly lại hào sảng như tiếng thác. Người nói tiếng Huế, tiếng Quảng Bình, miền Tây… mỗi người một giọng…

Đêm trên sông chảy ngược ở giữa lòng sông vắt qua Trường Sơn. Đêm lạ quá. Lần đầu ngủ ở nhà nổi, sóng nước mênh mang gõ vào những thanh gỗ mục nghe lẹp xẹp. Lâu lâu, một chiếc xuồng nổ máy để thu lưới bắt cá. Tháng 12, trời trở lạnh, ngư phủ lại co ro khi một chút gió thổi vào người. Những vết chai dày đến nỗi ngâm mình trong nước cũng không thể làm da nhăn lại. Chỉ có những cái chau lại trên khuôn mặt của người chủ nhà xa quê khi tôi hỏi vợ anh Bảy Trí rằng: “Tết có đưa các cháu về quê không?”.

Vợ anh Trí ngồi cạnh nhìn chúng tôi chỉ biết cười trừ rồi lặng lẽ nhìn ra con nước lấp lóa dưới bóng đèn buồn xo. “Năm nay là năm thứ 3 không về nhà chơi Tết. Chúng nó nhỏ quá đi xe không tiện. Năm nay được ổn định hơn năm trước. Giờ không phải chạy lòng vòng khi bị chính quyền đuổi. Thế nên nuôi được lồng bè cá rô phi, diêu hồng. Năm nào cũng thế, Tết thì gói vài cặp bánh tét, mua sắm ít mứt kẹo rồi đợi đêm Giao thừa. Mấy chục căn nhà quần tụ giữa sóng nước cứ chèo xuồng mà đến chúc nhau. Nhậu mệt nghỉ!”, vợ anh Trí bộc bạch.

Tôi nghe một người miền Tây cười xòa nhắc tới quê hương khi ngày Tết đến. Tôi bỗng ngộ ra rằng, thực ra, dân theo nghề chài lưới thì đóng bè ở đâu là quê đó… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.