Hồ sơ tài liệu

Phản đối Trung Quốc đáp máy bay xuống Trường Sa

07/01/2016, 18:08

Ngày 7/1, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phản đối Trung Quốc đáp máy bay xuống Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình

Ông Lê Hải Bình tuyên bố: “Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế".

Cũng trong ngày 07/01/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.

Trước đó, ngày 6/1, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này đã cho đáp trái phép 2 chiếc máy bay xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Truyền thông nước này nói: “Việc các chuyến bay thử nghiệm thành công chứng minh rằng sân bay tại  Đá Chữ Thập có khả năng đảm bảo an toàn cho hoạt động của các máy bay dân dụng lớn”, đồng thời nhấn mạnh thêm, sân bay sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, nhân lực và viện trợ y tế.

Đường băng trên Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) dài 3.000 mét chỉ là một trong ba đường băng Trung Quốc đã tiến hành xây dựng bất hợp pháp từ năm 2014 sau hoạt động bồi đắp trái phép các đảo đá và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cùng ngày, Philippines cũng có phản ứng với hành động trên của Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines bày tỏ quan ngại, với những chuyến bay thử nghiệm như vậy, Trung Quốc sẽ đặt nền tảng cho việc thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tương tự như đã tuyên bố ở biển Hoa Đông. “Nếu không bị ngăn cản, Trung Quốc sẽ có thể áp đặt ADIZ trên Biển Đông".

Do đó, ông Del Rosario cho biết: Philippines phản đối những chuyến bay này của Trung Quốc. "Đây là những hành động khiêu khích mà chúng ta cần phải suy xét" - Ngoại trưởng Philippines nói.

Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đang có chuyến thăm Phillippines phát biểu: "Tự do hàng hảihàng không trên Biển Đông là không thể thương lượng. Đó là báo động đỏ đối với chúng tôi". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh không đề cập cụ thể tới Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.