Văn hóa - Giải Trí

Phấn khích ca sĩ trẻ đưa văn hóa dân gian vào âm nhạc

15/08/2019, 06:23

Ngày càng có nhiều nghệ sĩ đưa tác phẩm văn học nghệ thuật hay văn hóa dân gian vào âm nhạc của mình.

img
MV "Tứ phủ" của Hoàng thùy Linh lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

Việc đưa văn hóa dân gian vào âm nhạc mang đến cảm giác vừa quen, vừa lạ lẫm, tạo phấn khích cho người nghe.

Khi văn hóa được “vận hành” trong âm nhạc

Trở lại đường đua âm nhạc sau gần 2 tháng, kể từ MV “Để Mị nói cho mà nghe”, mới đây MV “Tứ phủ” của Hoàng Thùy Linh đang trở thành tâm điểm chú ý khi lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Sau 4 ngày ra mắt, MV hiện đạt 3,4 triệu lượt xem và đứng top 2 Trending trên Youtube.

“Tứ phủ” gây ấn tượng bởi hiệu ứng hình ảnh đa chiều, mang đậm tính văn hóa tâm linh ma mị, cùng giai điệu đầy ám ảnh, khắc khoải. Đây là sản phẩm tiếp theo của Hoàng Thùy Linh trong chuỗi sản phẩm âm nhạc mang màu sắc dân gian pha trộn hiện đại của cô. Hai sản phẩm trước là “Bánh trôi nước” và “Để Mị nói cho mà nghe” cũng để lại dấu ấn riêng khi lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học của Việt Nam.

Không riêng Hoàng Thùy Linh, thời gian qua, làng nhạc Việt cũng có những nghệ sĩ trẻ đưa các giá trị văn hóa dân gian vào sản phẩm của mình. Tiêu biểu, Chi Pu mang tới góc nhìn khác về nhân vật Cám trong “Tấm Cám” với MV “Anh ơi ở lại”.

Ở đó, Cám không còn là nhân vật độc ác mà lại đáng thương đến cùng cực, bị tình yêu làm cho mù quáng. MV được đánh giá cao về mặt hình ảnh và sự chỉn chu từ các góc quay, bối cảnh tới trang phục, được đạo diễn bởi Nhu Đặng (cũng là đạo diễn của MV “Để Mị nói cho mà nghe”).

Khi ra mắt vào tháng 4/2019, MV của Chi Pu đã lọt top 1 Trending và hiện tại, MV đạt hơn 65 triệu lượt xem. Rapper Đen Vâu cũng từng gây xôn xao với bài rap “Vợ chồng A Phủ” được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Bản rap có những câu từ đậm tính thời thượng như “Chúng nó trói A Phủ lại/Đi châm điếu rồi get high/Mị lân la đến bên quên sợ hãi/Vì A Phủ rất tỉnh và đẹp trai”…

Thực tế, âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học, văn hóa truyền thống không còn xa lạ, từng được lớp nghệ sĩ thời trước làm từ lâu. Tuy nhiên dưới cách làm của người trẻ, các giá trị ấy trở nên mới mẻ hơn. Bản thân Hoàng Thùy Linh cũng thừa nhận, cô muốn tạo ra những sản phẩm trẻ trung, cũng như mang những thứ đậm chất Việt đến cho người trẻ.

Người trẻ nhìn văn hóa sáng tạo hơn

img
Hoàng Thùy Linh đưa cả "vũ trụ văn học" vào MV "Để Mị nói cho mà nghe"

Rõ ràng, sáng tạo âm nhạc dựa trên chất liệu văn hóa dân gian là điều đáng khuyến khích, nhưng cũng nảy sinh không ít tranh cãi từ cách tiếp cận của nghệ sĩ. “Bánh trôi nước” của Hoàng Thùy Linh từng bị chê không thấm nhuần chất Việt từ trang phục tới bối cảnh. Hay “Tứ phủ” cũng vấp phải ý kiến trái chiều khi lấy cảm hứng từ tín ngưỡng của người Việt, rằng cô và ê - kíp sáng tạo thiếu tôn trọng tín ngưỡng dân gian.

Với tôi, âm nhạc và nghệ thuật không có ranh giới dù dĩ nhiên, mọi thứ đều phải có chuẩn mực riêng. Khi sử dụng chất liệu truyền thống thì phải nghiên cứu, hiểu được nó bởi đó là những giá trị đã được cha ông đúc kết, không thể làm mới tùy tiện hay xâm phạm được. Việc của người đi sau là nếu có cảm hứng thì có thể làm theo những góc nhìn khác của người đi sau.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh


Về điều này, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - người góp phần làm nên thành công cho hai sản phẩm âm nhạc này của Hoàng Thùy Linh tâm sự, anh ghi nhận những ý kiến của khán giả nhưng ở góc nhìn của những người làm sáng tạo như anh thường nghĩ mọi chuyện một cách đơn giản, là sáng tạo nghệ thuật làm đẹp cho đời chứ không nghĩ quá phức tạp đến vậy.

Nhìn mặt tích cực hơn, qua những sản phẩm ấy, nhiều người trẻ sẽ biết đến nhiều hơn về một tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc. Ví như bài hát “Tứ phủ” do Hồ Hoài Anh soạn nhạc, anh chỉ lấy cảm hứng từ câu chuyện của một nhân vật trong tín ngưỡng thờ Mẫu là cô Bơ, nhìn theo góc nhìn khác là về thân phận của một người phụ nữ. Khi phát triển giai điệu bài “Tứ phủ” anh sử dụng chất liệu của ca trù nhiều hơn.

Theo Hồ Hoài Anh, mỗi thời đại luôn có sự thay đổi, nhưng dù đi đâu con người vẫn sẽ quay về giá trị truyền thống. Đó là những giá trị luôn cần bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, những người trẻ luôn có những cái nhìn khác về văn hóa, truyền thống, những góc nhìn trẻ trung hơn, thời đại hơn. Anh cho rằng đó là điều tích cực bởi sẽ giúp văn hóa, văn học gần gũi hơn với giới trẻ ngày nay. Chưa kể, những chất liệu văn học, văn hóa truyền thống đã nằm đâu đó trong mỗi con người Việt nên những sáng tạo được lấy cảm hứng từ những chất liệu ấy sẽ dễ đi vào lòng người hơn.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng, sự sáng tạo là vô biên, quan trọng là phải làm sao để thuyết phục được khán giả. Ông đánh giá cách nghệ sĩ trẻ đưa văn hóa dân gian vào âm nhạc hiện nay mang tính đại chúng hóa, không quá sâu sắc nhưng dễ tiếp thu. Cách làm này giúp giới trẻ biết tới văn hóa dân gian nhiều hơn, dễ tiếp cận theo cách hiện đại của người trẻ chứ không bị khô cứng, giáo điều như tưởng tượng. Thậm chí, những sáng tạo ấy có gây tranh cãi về cách tiếp cận và cách làm cũng là điều bình thường.

“Truyền thống có ‘phần cứng’ là những giá trị không thể thay đổi, nhưng cũng có ‘phần mềm’ có thể thay đổi vì không mang tính ổn định. Vậy mới gọi là sự phát triển giá trị truyền thống, là cách ứng xử của thế hệ hôm nay và ngày mai với quá khứ”, nhạc sĩ Thụy Kha nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.