Quản lý

Phần lớn trục trặc trạm cân do lỗi vận hành

23/04/2014, 06:43

TS. Đặng Hữu Đạt-Giám đốc CTCP Tự động hóa và Cơ khí điện tử Hanel trả lời phỏng vấn PV Báo Giao thông về một số vấn đề liên quan đến lắp đặt và khắc phục, sửa chữa lỗi tại các trạm cân.

Tập huấn cân xe ở Quảng Bình
Tập huấn cân xe ở Quảng Bình

Sau hơn nửa tháng triển khai kiểm soát tải trọng xe bằng hệ thống cân lưu động, nhiều ý kiến cho rằng việc lắp đặt vận hành hệ thống cân chưa đạt yêu cầu đặt ra. Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?


Thực tế hiện nay, một lượng lớn nhân viên tại các trạm cân không đi tập huấn và chưa đọc các tài liệu hướng dẫn sử dụng do Công ty Hanel A&M cung cấp. Chúng tôi đã cập nhật đầy đủ các tài liệu hướng dẫn sử dụng cả về thiết bị và phần mềm. Cùng đó, chúng tôi đã cung cấp tài liệu về các lỗi thường gặp, thông tin về về độ chính xác… Rất tiếc là khi trao đổi với nhân viên tại các trạm, phần lớn lại không biết đến các tài liệu này. Đa số nhân viên các trạm cân chưa bảo đảm tính chuyên nghiệp, chưa đủ trình độ tối thiểu. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều thao tác sai, thực hiện không đúng qui trình, gây quá tải cho hệ thống hỗ trợ trực tuyến và gây hư hỏng thiết bị. Trên thực tế, chúng tôi đang phải làm công tác đào tạo trực tuyến chứ không phải hỗ trợ trực tuyến. 

Cụ thể những trục trặc thường xảy ra khi vận hành trạm cân là gì, thưa ông?


Đến thời điểm này, đã có 9 trường hợp cáp bàn cân bị xoắn đứt do thao tác tháo lắp sai hoặc do bị ô tô phanh gấp, xô đẩy bàn cân gây ra. Tôi phải nhấn mạnh, việc hỏng cáp và đầu nối bàn cân là hư hỏng nghiêm trọng nhất trong toàn bộ các sai hỏng đã xảy ra. Công tác sửa chữa cũng rất phức tạp, chỉ có thể thực hiện tại cơ sở của nhà sản xuất dưới sự bảo hộ của hãng Massload. Biện pháp khắc phục không có cách nào khác ngoài việc cố gắng thực hiện tháo lắp đúng quy trình hướng dẫn. Cùng đó, có thể quấn băng keo để hạn chế gây hư hỏng do vô ý, lắp đặt trùng dây đo cân của bàn cân B, đồng thời chốt chặn bàn cân hạn chế xô đẩy khi ô tô phanh gấp.

 
Một vấn đề khác cũng cần phải lưu ý là việc nạp bảo dưỡng đối với ba loại thiết bị sử dụng ắc quy là nguồn điện UPS online, máy tính laptop và bộ đàm. Vừa qua, có một số địa phương sử dụng nguồn điện lưới nhưng khi kiểm tra thì nguồn điện thấp dưới 170 VAC khiến ắc qui bị cạn kiệt và chai bản cực, có thể dẫn đến hỏng cụm biến tần. Pin của máy tính nếu bị cạn kiệt có thể dẫn đến hỏng và không kết nối GPS được khi chạy điện lưới.

Để khắc phục, nhân viên các trạm cần thường xuyên kiểm tra và cấp điện đầu; Thường xuyên cắm điện nguồn cho máy tính và bộ đàm cũng như phải tắt máy UPS, máy tính, bộ đàm và chuột quang khi dừng làm việc.

Là cân lưu động, đặt ngoài trời, bàn cân có thể chịu được nước trong trường hợp trời mưa?


Mặc dù bàn cân chịu được mưa nhưng nước có thể lọt vào trong bàn cân, gây áp lực nội làm giảm tốc độ cân. Đặc biệt nếu để nước ngập ngấm vào đầu nối có thể làm sai số cân. Trong những trường hợp này, chúng ta có thể tiến hành phủ keo silicon, tháo vít xả nước, khoan lỗ thoát nước. Không để ngập nước đầu nối (đã được che bảo vệ bằng hộp thép)…

TS có khuyến cáo gì khác đối với việc lắp đặt, vận hành trạm cân?

Một số lỗi khác khi lắp đặt, vận hành có thể gây sai số khi cân là cọc tiếp địa không đủ độ sâu (tối thiểu 1,2 m), đóng cọc tiếp địa vào lỗ cũ đã quá rộng, khu đất quá khô đều dẫn đến tiếp địa kém gây nhẩy nhót số liệu cân, sai số cân tăng và bảo vệ chống sét kém hiệu quả.


Ngoài ra, trong khi cân xe không để máy bộ đàm và điện thoại di động sát tủ điện và máy vi tính; Xe ô tô siêu trường siêu trọng không được vào bàn cân; Xe ô tô khi qua bàn cân phải giữ tốc độ đều ổn định, dưới tốc độ quy định, không phanh gấp, đổi hướng lái đột ngột gây tăng sai số cân.


Chúng tôi cũng khuyến cáo kiểm tra xe ở hình thức cân động, nếu có khiếu nại thì chuyển sang cân tĩnh. Nếu có vấn đề sai lệch lớn thì thông báo cho nhà sản xuất để hỗ trợ xử lý kịp thời.

Cảm ơn tiến sỹ!

Thanh Bình (Thực hiện)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.