Thế giới

Phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

26/02/2016, 07:29

“Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là không thể tranh cãi".

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc làm thay đổi hiện trạ
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Chiều 25/2, tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Dựa trên những hành động gần đây từ phía Trung Quốc, có thể thấy nguyên trạng của khu vực biển Đông đang bị phá vỡ. Đáng lo ngại hơn, nó thúc đẩy tình hình quân sự hoá trên biển Đông, ảnh hưởng tới hoà bình ổn định tự do hàng hải tại đây”.

Trước tình hình này, một lần nữa người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục có những hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hoá trên biển Đông mà còn đe doạ hoà bình, ổn định khu vực, an ninh, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên biển Đông và trong khu vực.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động mang tính trách nhiệm, xây dựng trong việc duy trì hoà bình, ổn định khu vực cũng như trên thế giới, tuân thủ các luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC)”.

Theo ông Bình, tới đây, tại Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Viêng Chăn, Lào từ ngày 26-27/2 với sự tham gia của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, những vấn đề đe doạ hoạt động an ninh, ổn định tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông và khu vực sẽ được đưa ra để thảo luận.

Ngoài ra, khi phóng viên quốc tế hỏi về việc Việt Nam sẽ quyết định như thế nào nếu Mỹ đề nghị Việt Nam tham gia tuần tra trên biển Đông, ông Bình cho biết: “Việt Nam đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường tại khu vực này phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước về Luật Biển 1982.

Việt Nam khẳng định, các hoạt động này luôn đóng góp tích cực vào hoà bình ổn định của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi nhiều lần nêu rõ quan điểm - Việt Nam tôn trọng quyền đi lại tự do vô hạn trong lãnh hải phù hợp với quy định. Việt Nam đề nghị tất cả các nước đóng góp tích cực và thiết thực vào hoà bình, ổn định trên biển Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Trước đó, giới chức Mỹ công bố một số ảnh vệ tinh chứng minh Trung Quốc đã triển khai trái phép tên lửa đất đối không ngày 18/2 và mới đây là tiêm kích ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Động thái này của Trung Quốc đã đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế như Mỹ, Australia. Tiếp đó, ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tiếp tục công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây các trạm radar trên Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định: “Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hoá biển Đông. Điều đó chỉ có thể khi trái đất không phải hình cầu”. Ông Hary cũng đề xuất đưa tàu ngầm tấn công tới biển Đông. Xuân Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.