Chuyện dọc đường

Pháp luật chỉ có giá trị nếu được thực thi nghiêm

17/06/2019, 06:30

Quy định mới được Quốc hội thông qua về cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là một mũi tên bắn trúng hai đích.

img
Quốc hội thông qua quy định “cấm tiệt” điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu
hoặc hơi thở có nồng độ cồn đáp ứng được nguyện vọng của cử tri
(Trong ảnh: CSGT Thanh Hóa kiểm tra nồng độ cồn người đi xe máy). Ảnh: PV

Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia với quy định “nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là một thành công lớn trong công tác bảo đảm ATGT tại Việt Nam.

Điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ TNGT liên quan tới rượu bia cũng như sự lắng nghe ý kiến nguyện vọng của cử tri.

Quy định này sẽ là cơ sở rất quan trọng để các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tuyên truyền, đồng thời hoàn thiện các chế tài xử phạt theo mức độ vi phạm.

Không phải đến bây giờ chúng ta mới cấm hành vi vi phạm này. Ngay trong Luật GTĐB 2008 đã cấm tuyệt đối người lái xe ô tô uống rượu bia. Với người lái xe máy cũng chỉ cho phép dưới ngưỡng 50mg/100ml máu, đây là ngưỡng được rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng (Pháp, Đức, Hà Lan...).

Tham chiếu với các quy định của các quốc gia khác, Luật GTĐB 2008 đã thuộc nhóm quy định tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, có quy định tốt rồi, nhưng thực thi còn bất cập, bởi vậy đã có những vụ TNGT liên quan tới vi phạm quy định về rượu bia gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 mở rộng đối tượng không được sử dụng rượu bia khi lái xe, trong đó nghiêm cấm đối với người điều khiển tất cả các phương thức vận tải bao gồm cả hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ, và trong đường bộ thì bao gồm tất cả các phương tiện vận tải ô tô, xe máy, xe đạp, xe ba bánh... Như vậy, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có quy định thuộc loại chặt chẽ nhất trên thế giới (cùng với Hungary, Séc, Slovakia và Rumani). Tuy nhiên, quy định pháp luật chỉ có giá trị nếu được thực thi nghiêm. Bởi vậy, trong thời gian tới chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức thực hiện, vì điều này sẽ quyết định quy định tiên tiến có đi vào cuộc sống hay không.

Có một số vấn đề tôi cho rằng cần lưu ý trong thời gian tới. Thứ nhất thế giới thường đặt vấn đề kiểm soát nồng độ cồn với lái xe cơ giới, do nhóm này có thể gây hậu quả lớn cho xã hội, còn với người tham gia giao thông như đi bộ, hoặc điều khiển phương tiện giao thông phi cơ giới (như xe đạp) về cơ bản thế giới không kiểm soát về nồng độ cồn vì rủi ro từ người đi bộ, đi xe đạp tới cộng đồng rất thấp. Ngoài ra, đi xe đạp và đi bộ là loại hình giao thông rất bền vững cần khuyến khích. Theo tôi, với xe đạp chỉ nhắc nhở, chỉ nên xử phạt nếu tái phạm hoặc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đây là điểm cần lưu ý khi xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Tất nhiên, sắp tới các cơ quan chức năng phải chuẩn bị rất nhiều hành lang pháp lý và hướng dẫn chi tiết, vì trong một số thực phẩm mà chúng ta ăn, thậm chí nước súc miệng... cũng có nồng độ cồn nhất định, do đó chính sách cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện có thể dẫn tới những tranh cãi pháp lý dai dẳng nếu vụ việc được đưa ra các cơ quan tư pháp. Do đó phải có hướng dẫn, quy trình chặt chẽ để quá trình triển khai không bị vướng.

Cùng với đó là việc các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể cho Điều 260, Khoản 4, Bộ luật Hình sự, qua đó khai thông việc xử lý hình sự với những vi phạm về nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng khi lái xe kể cả khi chưa gây hậu quả; tăng mức xử phạt về hành chính lưu trữ và phạt lũy tiến với tái phạm; đồng thời đa dạng hóa hình thức xử lý với vi phạm này (bổ sung loại hình lao động công ích) và tăng mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới...

Liên quan đến việc dư luận băn khoăn vì nhiều người không hề muốn vi phạm uống rượu bia khi lái xe, nhưng phương tiện cơ giới cá nhân hiện nay gần như là lựa chọn duy nhất, tôi hoàn toàn nhất trí với lo ngại này. Tôi cho rằng, đây là động lực rất lớn trong phát triển các phương thức giao thông công cộng bền vững, giảm lệ thuộc vào các phương tiện cơ giới cá nhân.

Rõ ràng nếu quy định trên được thực thi tốt, có thể người dân vẫn sử dụng rượu bia nhưng không lái xe (điều đã được kiểm nghiệm trên thế giới), điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ cần phải sử dụng vận tải công cộng và giao thông phi cơ giới trước và sau khi sử dụng rượu bia, mà theo một quy luật rất cơ bản trong kinh tế thị trường, có cầu thì sẽ có cung để đáp ứng. Bởi vậy, sắp tới chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng hệ thống giao thông công cộng sẽ có những bước thay đổi đột phá. Quy định mới là một mũi tên bắn trúng hai đích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.