Xã hội

Phạt cơ sở kinh doanh phế liệu thu mua thiết bị trộm cắp

23/06/2022, 20:14

Công an TP.HCM cho biết sẽ phạt nghiêm các đối tượng trộm cắp tài sản các công trình xây dựng trên địa bàn và cả người thu mua.

Công an TP.HCM sẽ xử lý nghiêm những cơ sở thu mua phế liệu mua đồ gian, nhất là các vật liệu ở công trình xây dựng.

Đó là một trong số nhiều nội dung mà Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu công an thành phố trả lời trong cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề về kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, chiều 23/6.

Thượng tá Lê Mạnh Hà nhận định, việc mất cắp phát sinh từ sự mất cảnh giác, chủ quan của các chủ thầu, chủ đầu tư trong việc quản lý tài sản, vật tư, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực vắng người, dễ tháo lắp.

img

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu công an thành phố

Đối với các vụ việc này, Ban giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ (PC02) phối hợp với các quận huyện truy xét, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gây án. Công an thành phố cũng phối hợp với Sở GTVT thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại các tuyến đường, khu vực lắp nhiều thiết bị hạ tầng kỹ thuật.

Ông Hà lưu ý: Đối với các vụ việc xảy ra, các đơn vị thi công, quản lý, nhà thầu thi công khẩn trương báo về trụ sở công an sớm nhất để cơ quan công an có điều kiện điều tra xác minh, xử lý các đối tượng.

Về việc thời gian vừa qua nhiều người dân bị "bẫy tuyển người" sang Campuchia làm việc, Thượng tá Hà cho biết, các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ của phụ nữ, trẻ em, người có hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi đua đòi... để lừa gạt, hứa hẹn giới thiệu việc làm có thu nhập, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi…

Đặc biệt thời gian gần đây, khi công nghệ mạng xã hội phát triển, các đối tượng dễ dàng, làm quen, tiếp cận từ xa rồi đưa nạn nhân rơi vào bẫy mua bán người.

Các nạn nhân được hướng dẫn và đưa qua đường tiểu ngạch sang Campuchia. Sau đó các đối tượng sẽ yêu cầu trả số tiền đền bù về chi phí đi lại, ăn ở, có thể bị bắt, khống chế đòi gia đình trả tiền, hoặc bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục...

Thượng tá Hà lưu ý: Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà cần liên hệ với cơ quan công an gần nhất, trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin đặc điểm hình ảnh, nhận dạng, phương thức của các đối tượng… để lực lượng công an có cơ sở điều tra, hỗ trợ các nạn nhân.

Về phản ánh tại một số địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, TP. Thủ Đức, người dân gặp sự phiền hà khi đi làm căn cước công dân, Thượng tá Hà cho biết, hiện hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường, số lượng người dân đi làm căn cước công dân rất đông, nhiều người dân phải bốc số và chờ đợi 2 - 3 ngày mới đến lượt làm thủ tục nên có bức xúc.

Trước thực trạng này, phía công an thành phố đã báo cáo Bộ Công an, cấp và tăng cường thêm số lượng máy cấp căn cước công dân một số địa bàn đông dân, quá tải. Đồng thời lực lượng công an bố trí tăng thời gian cấp căn cước công dân.

Về tình trạng người dân đã hoàn thành thủ tục làm căn cước công dân nhưng khi đến hẹn đi lấy thì không có, ông Hà cho biết, do khi làm căn cước công dân đã kết hợp với việc làm sạch dữ liệu, có trường hợp sai lệch thông tin về nơi sinh, nơi cấp đăng ký khai sinh hoặc sai về quê quán so với dữ liệu quốc gia dân cư và dữ liệu kê khai của người dân nên khá mất thời gian chỉnh sửa hoặc phải khai lại trước khi được cấp căn cước công dân mới.

Về vấn đề vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện ngành Y tế TP.HCM vẫn đảm bảo đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng. Riêng tình trạng thiếu vaccine dịch vụ lại phụ thuộc cơ chế thị trường và tùy đơn vị cơ sở, không nằm trong chương trình bắt buộc của Bộ Y tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.