Thời sự Quốc tế

Phát hiện bất ngờ về đốm sáng bí ẩn gần xác tàu Titanic

09/11/2022, 13:30

Sau 26 năm, nhóm thám hiểm đã giải mã được bí ẩn về đốm sáng gần xác tàu Titanic.

Ông P.H. Nargeolet, thợ lặn chuyên thám hiểm xác tàu Titanic đã phát hiện đốm sáng bí ẩn trên màn hình máy quét sonar vào năm 1996. Nhưng từ đó đến nay, nguồn gốc của đốm sáng đó vẫn chưa được lý giải.

Trong cuộc thám hiểm xác tàu Titanic vào đầu năm nay, ông Nargeolet cùng 4 nhà nghiên cứu khác đã quay trở lại địa điểm phát hiện đốm sáng trước đây với quyết tâm giải mã bí ẩn này.

Dựa trên kích thước của đốm sáng, ông Nargeolet cho rằng đó có thể là xác một con tàu đắm khác nhưng những gì nhóm thám hiểm tìm được là rạn san hô dưới đáy biển sâu. Rạn san hô này là nơi sinh sống của tôm hùm, cá biển sâu, bọt biển và một số loài san hô có thể đã có từ vài nghìn năm trước.

img

Xác tàu Titanic nằm dưới đáy Bắc Đại Tây Dương. Ảnh - Getty

Ông Murray Roberts, Giáo sư Sinh thái học và Sinh học biển tại Đại học Edinburgh, Scotland đồng thời là một trong những nhà nghiên cứu tham gia đoàn thám hiểm, cho rằng đây là khám phá rất thú vị về mặt sinh học.

“Những loài động vật sống ở rạn san hô này rất khác biệt so với các loài từng được phát hiện ở những khu vực biển sâu khác. Ông Nargeolet đã thực hiện công việc khoa học rất quan trọng. Ban đầu, ông Nargeolet chỉ nghĩ sẽ tìm thấy xác tàu đắm, nhưng theo tôi, những gì ông ấy tìm thấy còn tuyệt vời hơn”, ông Roberts nói.

Theo ông Roberts, đồng bằng biển thẳm là thuật ngữ dùng để chỉ đáy biển ở độ sâu 3.000 - 4.000m, chiếm khoảng 60% bề mặt Trái đất. Giới khoa học thường cho rằng khu vực đáy biển này chứa nhiều bùn lầy và không có nhiều sinh vật. Tuy nhiên, với phát hiện mới của ông Nargeolet, Giáo sư Roberts cho rằng đồng bằng biển thẳm có thể là nơi sinh sống của nhiều sinh vật biển so với những gì giới khoa học đã tìm hiểu được.

Nhóm nghiên cứu đang phân tích hình ảnh, video quay rạn san hô nhằm chia sẻ thông tin khám phá được với mục đích nâng cao hiểu biết khoa học về sinh vật dưới đáy biển sâu. Ông Roberts mong muốn có thể liên kết khám phá mới này với dự án hệ sinh thái Đại Tây Dương do ông dẫn đầu có tên iAtlantic nhằm nghiên cứu sâu hơn và bảo vệ hệ sinh thái mong manh bên trong rạn san hô.

Trong chuyến thám hiểm sắp tới, ông Nargeolet muốn khám phá vệt sáng khác gần xác tàu Titanic từng được phát hiện trên màn hình sonar trong cùng chuyến thám hiểm khi ông phát hiện đốm sáng đã được giải mã ở trên. Vệt sáng bí ẩn này nằm giữa xác tàu Titanic và rạn san hô mới được ông Nargeolet phát hiện. Nhà thám hiểm kỳ vọng ở đó sẽ có nhiều thứ để khám phá hơn rạn san hô ông mới tìm ra.

Tổ chức OceanGate Expeditions - đơn vị hỗ trợ tài chính cho chuyến thám hiểm năm nay của ông Nargeolet, sẽ tiếp tục công tác nghiên cứu xác tàu Titanic và khu vực xung quanh vào năm 2023.

Xác tàu Titanic hiện nằm ở độ sâu 4.000m dưới mặt nước biển ở Bắc Đại Tây Dương. Vụ chìm tàu Titanic năm 1912 khiến 1.500 người thiệt mạng được coi là một trong những vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.