Thời sự Quốc tế

Phát hiện biến chủng mới khiến tỉ lệ Covid-19 tại Nam Phi "dựng đứng"

26/11/2021, 07:21

Giới khoa học Nam Phi đã sửng sốt khi phát hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có lượng đột biến tăng vọt, khiến số ca nhiễm tăng 12 lần.

Số lượng đột biến rất cao

Trong 36 giờ qua sau khi quan sát mức độ lây nhiễm tăng tại tỉnh Gauteng – trung tâm kinh tế của Nam Phi, các nhà khoa học phát hiện ra biến chủng B1.1.529. Tính đến nay, có 22 ca dương tính liên quan tới biến chủng này tại Nam Phi – theo Viện nghiên cứu các bệnh lây nhiễm nước này.

Tại Botswana - một quốc gia lân cận, Bộ Y tế sở tại xác nhận, có 4 ca nhiễm biến chủng mới được phát hiện ở người đã tiêm phòng đầy đủ, cả 4 đều được phát hiện dương tính khi chuẩn bị khởi hành.

Một mẫu biến chủng mới cũng được phát hiện tại Hong Kong ở một hành khách đến từ Nam Phi.

img

Tỉ lệ tiêm chủng tại Nam Phi giảm sâu so với mục tiêu quốc gia. Tốc độ tiêm chủng hiện tại là 130.000 liều/ngày trong khi mục tiêu đề ra là 300.000 liều/ngày

Hiện tại, ở Nam Phi, tỉ lệ lây nhiễm một ngày là 1.200 ca mới – thấp hơn nhiều so với một số nước khác nhưng đã tăng 12 lần so với 100 ca tính ở thời điểm đầu tháng. Chưa kể mật độ xuất hiện dày đặc của biến chủng B1.1.529 trong số các ca nhiễm mới khiến các nhà khoa học nghi ngại biến chủng này có tốc độ lây nhiễm cao và cần phải cảnh giác từ sớm.

“Chúng tôi rất bất ngờ khi tìm hiểu về biến chủng này. Nó đã có bước tiến hoá nhảy vọt, xuất hiện nhiều đột biến hơn dự đoán, đặc biệt là sau làn sóng dịch nghiêm trọng thứ 3 do biến chủng Delta gây ra”

Ông Tulio de Oliveira từ Cơ quan đổi mới nghiên cứu và giải trình tự gene của tỉnh KwaZulu-Natal.

Biến chủng B1.1.529 có một tập hợp đột biến rất bất thường, trong đó có hơn 30 đột biến chỉ trong protein gai – ông de Oliveira nói.

Trên thụ thể ACE2 nơi protein hỗ trợ tạo ra điểm xâm nhập tế bào con người, có tới 10 đột biến. Trong khi biến chủng Beta chỉ có 3, biến chủng Delta chỉ có 2, cũng theo ông de Oliveira.

Dự kiến, các nhà khoa học Nam Phi sẽ họp với nhóm nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, bàn về phát hiện trên và chọn tên theo bảng chữ cái Hy Lạp để đặt cho biến chủng này.

Có khả năng né tránh miễn dịch

Ngoài ra, chuyên gia về bệnh lây nhiễm Richard Lessells cũng thuộc Cơ quan đổi mới nghiên cứu và giải trình tự gene của tỉnh KwaZulu-Natal nhận định, biến chủng mới có nhiều điểm tương đồng với biến chủng Lambda, Beta, có khả năng né tránh miễn dịch bẩm sinh.

“Tất cả các vấn đề trên khiến chúng tôi quan ngại rằng biến chủng mới không chỉ tăng cường về mức độ truyền nhiễm mà còn cả mức độ hiệu quả, có thể né tránh phần lớn miễn dịch và khả năng bảo vệ trong hệ thống miễn dịch con người”, ông Lessells nói.

Còn tại Anh, ông Ravi Gupta, Giáo sư về vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cũng chỉ ra qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ông phát hiện hai đột biến của B.1.1.529 làm tăng mức độ lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết của kháng thể.

Biến chủng mới đã được phát hiện ở người trẻ - nhóm người có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất tại Nam Phi. Hiện tại, chỉ có hơn ¼ người thuộc nhóm từ 18-34 tại nước này đã tiêm phòng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi.

Trước thông tin trên, bắt đầu từ hôm nay (26/11), Anh sẽ tạm thời dừng các chuyến bay đến từ 6 quốc gia thuộc khu vực Châu Phi trong thời gian Bộ Y tế Anh tìm hiểu về biến chủng mới.

Hiện chưa rõ cụ thể nước nào bị đưa vào danh sách đỏ của Anh.

Nam Phi là vùng dịch lớn nhất khu vực châu Phi với 2,95 triệu ca nhiễm và gần 90.000 ca tử vong. Đây cũng là nơi lần đầu tiên phát hiện ra biến chủng Beta vào năm ngoái.

Trước đó, giới chức cũng dự báo, khả năng Nam Phi sẽ đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư, bắt đầu vào khoảng giữa tháng 12, do dòng người di chuyển trước mùa lễ hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.