Quản lý

Phát hiện một cơ sở tự ý đóng tàu cao tốc sai thiết kế

13/05/2017, 08:00

Sau khi được kiểm định, cơ sở đóng tàu thay đổi một số chi tiết thiết kế nhưng không báo cơ quan đăng kiểm.

IMG_8391

Một trong 3 tàu cao tốc đã được khắc phục khiếm khuyết dưới sự giám sát của Chi cục Đăng kiểm số 15

Ngày 13/5, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông của Cục Đăng kiểm VN cho biết, Cục Đăng kiểm VN vừa chỉ đạo Chi cục Đăng kiểm số 6 kiểm tra, đánh giá và báo cáo Cục để có biện pháp chấn chỉnh cơ sở đóng tàu Tân Viễn Đông (TP. HCM) trong việc chấp hành các quy định về đóng mới, đăng kiểm phương tiện thủy.

Lý do là cơ sở đóng tàu Tân Viễn Đông bị cơ quan đăng kiểm phát hiện đã tự ý thay đổi một số hạng mục của 3 tàu cao tốc chở khách so với thiết kế gốc, trước khi bàn giao cho đơn vị sử dụng.

“Tháng 4 vừa qua, Chi cục Đăng kiểm số 15 khi thực hiện kiểm tra lên đà hàng năm đối với 3 tàu cao tốc hoạt động tại Quảng Ninh là Ka Long 96, Ka Long 56, Nguyên Việt 838 phát hiện các tàu này cùng có một số chi tiết sai khác so với thiết kế ban đầu, như : két dầu, máy phát điện đặt sai vị trí, ống bọc trục chân vịt không liên tục. Các khiếm khuyết trên do cơ sở đóng tàu tự ý thay đổi thi công so với thiết kế đã được duyệt”, ông Học thông tin.

Theo ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15, 3 chiếc tàu trên do cơ sở đóng tàu Tân Viễn Đông đóng mới năm 2016, theo một mẫu thiết kế và được đưa ra hoạt động tại Quảng Ninh.

IMG_2516

Đăng kiểm viên kiểm tra thực tế của tàu cao tốc

Tháng 4 vừa qua, các phương tiện được đưa lên đà để kiểm tra định kỳ hàng năm, các đăng kiểm viên phát hiện các tàu có sự sai khác giữa thực tế và hồ sơ thiết kế, nên kiên quyết dừng cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật để làm rõ. “Dưới sự giám sát của cơ quan đăng kiểm, đến ngày 12/5, cả 3 chiếc tàu trên đều đã được chủ phương tiện khắc phục hoàn chỉnh các khiếm khuyết và được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật để tiếp tục hoạt động”, ông Đức cho biết.

Vấn đề đặt ra là những chi tiết bị thay đổi trên có ảnh hưởng đến an toàn của tàu? Ông Đỗ Trung Học cho biết: “Các đơn vị đăng kiểm đã cùng cơ sở đóng tàu tính toán, đối chiếu thực tế của tàu với quy chuẩn kỹ thuật và kết quả cho thấy phù hợp với tiêu chuẩn, không ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện”. Tuy vậy, việc cơ sở đóng tàu tự ý thay đổi các chi tiết so với thiết kế và giấy chứng nhận đăng kiểm đã được cấp là vi phạm quy định về đóng, kiểm định phương tiện. Vì vậy, cơ sở đóng tàu đã phải lập hồ sơ hoán cải tàu theo đúng hiện trạng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và khắc phục toàn bộ các khiếm khuyết.

Ông Lê Văn Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ka Long (chủ tàu) thông tin, các tàu vẫn đang trong giai đoạn bảo hành nên cơ sở đóng tàu đã lập thiết kế phù hợp với hiện trạng của tàu, khắc phục hoàn chỉnh các khiếm khuyết theo yêu cầu của cơ quan đăng kiểm, các tàu đã được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật để tiếp tục hoàn động.

“Việc Cục Đăng kiểm VN, Chi cục Đăng kiểm số 15 phát hiện ra sự sai khác của tàu so với hồ sơ thiết kế ban đầu đã giúp chúng tôi kịp thời yêu cầu cơ sở đóng tàu khắc phục, sửa chữa, bổ sung các hạng mục của tàu còn thiếu trong thời gian bảo hành”, ông Lê Văn Tòng nói.

Về phía Công ty TNHH Tân Viễn Đông, trong văn bản giải trình về vụ việc với Cục Đăng kiểm VN thừa nhận: “Các hạng mục trên được thay đổi sau khi đăng kiểm viên kết thúc kiểm tra tại nhà máy; tuy nhiên có sai sót là không làm bản vẽ hoán cải cho các hạng mục đã thay đổi so với thiết kế ban đầu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.