Y tế

Phát hiện thêm điểm mắc dịch tả lợn Châu Phi: Dấu hiệu, cách phòng tránh

20/02/2019, 11:59

Tới ngày hôm nay (20/2), tại Hưng Yên đã phát hiện thêm 6 hộ chăn nuôi có dịch tả lợn Châu Phi.

img
Lợn mắc dịch tả Châu Phi chưa có thuốc điều trị, cần phải đem tiêu hủy

Theo Cục Thú y, Thái Bình và Hưng Yên là hai địa phương đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Sáng nay (20/2), UBND huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) thông báo, tại xã Yên Hòa có 7 hộ chăn nuôi có đàn lợn nghi mắc dịch tả lợn Châu Phi. Như vậy, so với báo cáo của Bộ NN-PTNT ngày 19/2, tại Hưng Yên đã phát hiện thêm 6 hộ chăn nuôi có dịch tả lợn Châu Phi. Đến nay, Hưng Yên có khoảng 365 con lợn nằm trong diện bị tiêu hủy. Trước đó, Bộ NN-PTNT đã tiêu hủy toàn bộ số lợn của 3 hộ chăn nuôi mắc dịch tại Thái Bình và Hưng Yên số lượng 257 con.

Việc các ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện sâu trong nội địa khiến không ít người bất ngờ, bởi trước đó, nguy cơ bệnh được nhận định xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Giải thích về điều này, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, nguyên nhân là có thể do chim di cư: “Hiện nay Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Bang Nga là các nước đã có dịch tả lợn Châu Phi. Chim di cư có xu hướng đi từ vùng lạnh tới vùng ấm nên có thể mang mầm bệnh lây lan vào nước ta”.

Về dấu hiệu nhận biết lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng dịch tễ (Cục Thú Y) cho biết có 3 đặc điểm chính. Thứ nhất, lợn sốt cao, có thể trên 40 - 42 độ C. Thứ hai, khác với các loại bệnh khác thường chỉ tập trung ở một số loại, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở nhiều loại lợn khác nhau từ lợn nái, lợn con, lợn choai, lợn thịt. Thứ ba, khi mắc bệnh, lợn không chết một cách ồ ạt bởi dịch bệnh này không truyền lây qua hô hấp mà lây qua chất nhầy, máu… của vật nuôi.

Trước nguy cơ bệnh dịch đã xuất hiện và có thể lây lan rộng, Cục Thú Y yêu cầu người dân không bán chạy lợn bệnh, nghi bệnh. Người kinh doanh không giết mổ vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện bệnh, cần báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời tổ chức xử lý ổ dịch. “Chúng tôi khẳng định với bệnh dịch này không có chuyện điều trị mà phải tiến hành tiêu hủy. Tại một số địa phương, đã có các đơn vị bán thức ăn chăn nuôi tư vấn có thể khám chữa, điều trị bệnh và lấy mẫu thử virus này. Tuy nhiên, Cục Thú y khuyến cáo không nên thực hiện bởi hành vi này có thể làm lây lan mầm bệnh rộng hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi là căn bệnh không lây sang người, do đó, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông đề nghị người chăn nuôi và người dân “không nên hoang mang”. Theo đó, người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp “sinh học” như rắc vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch. "Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, dán dấu, lăn dấu, dán tem kiểm định theo quy định pháp luật. Không nên tẩy chay mặt hàng thịt lợn”, ông Phạm Văn Đông kêu gọi.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/02/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Riêng tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh, trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam. Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.