Chuyện dọc đường

“Phạt nguội” bắt đầu “nóng”

09/07/2015, 13:56

Chưa khi nào việc "phạt nguội" đối với hành vi vi phạm pháp luật ATGT lại trở nên cấp bách như hiện nay.

Chưa khi nào việc "phạt nguội" đối với hành vi vi phạm pháp luật ATGT lại trở nên cấp bách như hiện nay. Điều này xuất phát từ thực tế, số người tham gia giao thông vi phạm rất nhiều nhưng tỷ lệ xử phạt vẫn còn thấp.

Theo tính toán, đến nay mới chỉ xử lý được khoảng 5% số lượng hành vi vi phạm, một con số thật sự quá ít ỏi.

Nguyên nhân nằm ở chỗ, dù cho quân số của lực lượng thực thi công vụ có hùng hậu đến đâu cũng không thể phủ kín các địa bàn, phát hiện được tất cả các hành vi vi phạm. Chưa kể ở nơi này, nơi khác vẫn có tình trạng du di, bỏ lọt vi phạm, thậm chí có hành vi bao che, tiêu cực.

Tình trạng này dẫn đến việc người tham gia giao thông có tâm lý “có vi phạm cũng chưa chắc bị phát hiện, xử phạt” hoặc bị xử phạt thì gọi điện cho người thân để tìm kiếm sự “trợ giúp”... Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều nước phát triển khi hầu hết các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông không thể “qua mắt” được lực lượng chức năng, bởi họ có sự “yểm trợ” đắc lực của các thiết bị công nghệ để “ghi lỗi” và tự động xử phạt. Khi đó, lực lượng thực thi công vụ không cần phải trực tiếp dừng xe, lập biên bản, thay vào đó họ chỉ cần làm thủ tục “phạt nguội”, bởi mọi hành vi vi phạm đã được các thiết bị ghi nhận một cách chính xác, công bằng và không thể lọt bất cứ trường hợp nào.

Công nghệ này còn giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho lực lượng kiểm soát giao thông. Như tại Trung Quốc, chỉ cần 8 CSGT làm việc với công nghệ đã bằng 50 CSGT làm theo kiểu thủ công, tăng hiệu quả gấp 6 lần. Hơn nữa, việc “phạt nguội” bằng các thiết bị công nghệ không chỉ đảm bảo sự chính xác, minh bạch, hạn chế tiêu cực mà cái được nhất chính là khi bị giám sát thì ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của người tham gia giao thông sẽ nâng lên.

Vài năm trước đây, dư luận từng “nóng” lên với chủ trương bắt buộc đăng ký xe chính chủ. Thế nhưng ít ai biết ngay khi đó, các cơ quan chức năng đã tính đến một lộ trình thực hiện việc “phạt nguội” bằng các thiết bị công nghệ hiện đại, bởi chỉ khi việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoàn thành mới có thể thực hiện “phạt nguội” để tránh truy nhầm đối tượng, phạt sai địa chỉ. Đến nay, khi lộ trình này đang đến hạn chót (dự kiến hết năm 2015 sẽ hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu đối với ô tô), phương pháp xử phạt qua camera bắt đầu được tính đến.

Vì thế, Đề án thí điểm xã hội hóa xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera trên một số tuyến cao tốc hứa hẹn sẽ là sự khởi đầu cho một cuộc cách mạng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.