Đô thị

Phạt nguội vi phạm vỉa hè, tại sao không?

27/02/2023, 07:00

Sau nhiều lần "lên dây cót" giành lại vỉa hè cho người đi bộ bất thành, Hà Nội một lần nữa lại đang phát động chiến dịch đầy rẫy khó khăn này.

Không cần ra quân rầm rộ, nhưng phải bài bản, bền bỉ

Chia sẻ về việc Hà Nội một lần nữa phát động chiến dịch trả vỉa hè cho người đi bộ, nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ sự e ngại về hiệu quả của chiến dịch khi thói quen "mạnh ai nấy lấn" của người dân đã "ăn sâu bám rễ".

img

Vỉa hè khu vực cổng Trường Đại học GTVT trở thành nơi kinh doanh, buôn bán hàng quán, đồ ăn

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - chuyên gia giao thông đô thị bức xúc: Lực lượng chức năng chưa thực sự kiên trì "đòi" vỉa hè cho người đi bộ. Nhiều người đứng đầu chưa quan tâm đúng mực nên mới xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói thẳng: "Nguyên nhân chưa dẹp được vỉa hè là do lợi ích nhóm và người dân đang thiếu việc làm chưa được bố trí".

Theo ông Liên, Hà Nội nhiều lần đặt ra quyết tâm dẹp vỉa hè để dành đường cho người đi bộ, tránh ách tắc giao thông. Mục tiêu thì tốt, nhưng việc thực hiện trì trệ kéo dài gần như chẳng có ai chịu trách nhiệm về vấn đề này thời gian qua.

Theo bà Thuỷ, nếu những người đứng đầu là chủ tịch, UBND các phường, xã; giám đốc các sở, ban, ngành thực hiện đúng theo các chức năng, nhiệm vụ thì Hà Nội hoàn toàn có thể dẹp được tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè.

“Chúng ta cần có cách làm bài bản, không ra quân rầm rộ, phải làm như thế nào cho bền vững để người dân tự giác không lấn chiếm, tâm phục khẩu phục; để họ thấy phải có ý thức với thủ đô, không vứt rác, không lấn chiếm vỉa hè để cho thủ đô trở nên đẹp đẽ”, bà Thuỷ góp ý.

Áp dụng công nghệ để phạt nguội

Đề cập giải pháp cho vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, cũng thừa nhận rất khó. Tuy nhiên, đây là việc phải làm để đảm bảo an toàn cho người đi bộ và mỹ quan đô thị.

“Việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ nói rằng khó thì muôn vàn sự khó. Nhưng nếu quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được”, KTS Trần Huy Ánh quả quyết.

Theo ông Ánh, một số nơi, cán bộ lý giải “không xử lý được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vì kho chứa đồ vi phạm hết chỗ” là không thuyết phục, bao biện.

“Không thể lấy lý lẽ là không thu được tiền phạt vì cái xe cũ, mấy cái ghế nhựa, bàn nhựa. Tại sao không nhìn vào những phương tiện có giá trị cao hơn, ví dụ cái ô tô hàng tỷ đồng, cái xe máy mấy chục triệu? Liệu người vi phạm có bỏ không khi bị xử phạt”, ông Ánh đặt câu hỏi.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng chỉ khi nào người đứng đầu chính quyền quyết tâm và quyết liệt, nhất quán với quan điểm “vỉa hè là dành cho người đi bộ” thì vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mới được giải quyết triệt để. Ông đề xuất chính quyền thành phố xem xét việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số như một trong những giải pháp cho vấn đề này.

“Tôi thấy thế giới họ sử dụng công nghệ, như việc xử phạt nguội qua hệ thống camera hay xử phạt bằng việc trừ tiền từ tài khoản ETC (thu phí không dừng” của các cá nhân vi phạm. Mình nên nghiên cứu áp dụng vì chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số”, ông Ánh đề xuất.

Ông Bùi Danh Liên cho biết thêm, trong vấn đề dẹp vỉa hè chủ tịch các UBND quận, phường phải chịu trách nhiệm, phải thành lập các tổ gồm: Tổ trưởng dân phố, lãnh đạo UBND, công an làm nòng cốt và dân phòng đến từng nhà tuyên truyền thuyết phục, nêu rõ chủ trương của TP, các hộ kinh doanh ở mặt phố không lấn chiếm lòng lề đường, không kinh doanh trái phép.

“Trước mắt, phải tuyên truyền nhắc nhở đến từng gia đình. Sau đó, đi kiểm tra việc thực hiện tự tháo dỡ của những hộ vi phạm, cuối cùng chúng ta mới cưỡng chế, vi phạm. Các chính quyền phải làm kiên trì, bài bản”, ông Liên nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.