Chuyện dọc đường

Phạt quỳ học sinh: Giáo dục không phải là trừng phạt

17/05/2019, 15:16

Giáo dục là biết khơi dậy điểm mạnh trong mỗi con người, không phải sự đồng hoá, lại càng không phải là sự trừng phạt.

img
Hình ảnh nam sinh bị cô giáo bắt phạt quỳ ngay giữa giờ học gây tranh cãi

Đánh bằng roi, bắt quỳ gối hay cho các bạn tát.., là những hình phạt đã và đang diễn ra trong hệ thống giáo dục nước ta, khi thầy cô giáo bức xúc và gần như bó tay đối với học sinh hư và nghịch ngợm trong giờ học.

Mỗi con người sinh ra, vốn dĩ đã khác nhau từ hình hài, tính cách đến hoàn cảnh trưởng thành. Giáo dục là biết khơi dậy điểm mạnh trong mỗi con người, không phải sự đồng hoá, lại càng không phải là sự trừng phạt.

Một điều không thể phủ nhận rằng, học sinh nào cũng đều có các môn học yêu thích và các môn chúng thấy nhàm chán. Chúng có xu hướng mất tập trung, thậm chí nghịch ngợm ở các môn ít hứng thú hơn. Hơn ai hết, những người làm giáo dục phải hiểu rõ điều này.

Có giáo viên hiểu được sự khác biệt trên nhưng cũng có người lại tương đối bảo thủ, muốn mình là chân lý dẫn tới sự độc đoán và áp chế.

“Phải có đòn roi mới nên người”, dân Việt ta hay nói với nhau như vậy. Câu nói ấy liệu có còn đúng trong thời buổi mở cửa, hội nhập và phát triển? Hay đấy chỉ là câu cửa miệng truyền tai nhau trong thời điểm đất nước khó khăn, không tiếp cận và giao lưu được với giáo dục hiện đại đang thay đổi từng giờ của thế giới bên ngoài?

Có một thực tế rõ ràng rằng, trong giáo dục nhà trường, nhiều đứa trẻ bị đánh bằng roi, bị phạt từ nhỏ đến lớn, vẫn hư. Như vậy, những hình phạt ấy liệu có mang lại hiệu quả mong đợi?

Tệ hại hơn nữa, chúng lại học chính những hình phạt ấy ở thầy cô để phạt những bạn bè yếu thế hơn. Tạo ra một môi trường giáo dục hỗn loạn và kích thích bạo lực học đường.

img
Giáo dục là biết khơi dậy điểm mạnh trong mỗi con người, không phải sự đồng hoá, lại càng không phải là sự trừng phạt.

Không thể để lặp lại liên tục việc thầy giáo đứng trên bục giảng trực tiếp phạt học sinh. Đây là một vấn đề cấp bách. Bộ GDĐT nên nghiên cứu và có chủ trương giải pháp cho vấn đề này, vì sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Trường sở nào cũng có phòng giám thị, nơi ấy phải có các thầy cô được đào tạo chuyên về kỷ luật, về tâm lý, cả cách lắng nghe phản hồi của các em học sinh về thầy cô và mọi bạn bè xung quanh. Rất nhiều những nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đã được phát hiện năng khiếu từ nơi này - phòng kỷ luật dành cho học sinh cá biệt của nhà trường. Nhà bác học Edison là một ví dụ về sự hiếu kỳ, nghịch ngợm và đã bị đuổi học.

Khi có vấn đề xung đột trên lớp, nhiệm vụ của giáo viên là gọi ngay cho các thầy cô giám thị nếu như thấy học sinh tại thời điểm đó cần phải chấp hành hình phạt. Có như vậy, mọi vấn đề mới được rạch ròi, trật tự học đường mới được thiết lập và không làm ảnh hưởng tới những bạn bè và sự nhân văn trên giảng đường.

Quỳ gối, đánh roi, chửi rủa học sinh, sỉ nhục trực tiếp trước mặt các bạn đều là các hành vi phản cảm, thậm chí còn vi phạm công ước về quyền trẻ em và nhân phẩm con người. Muốn giáo dục được một con người, cần phải cho họ một tuổi thơ có các thầy cô như những bậc cha mẹ bao dung và luôn rộng lượng bên mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.