Thời sự

"Phạt tiền không sợ, phạt tù chắc chắn sợ!"

01/04/2015, 15:42

Khi phạt tiền chưa chắc đem lại hiệu quả, việc phạt tù lái xe say xỉn, chở quá tải sẽ tạo chuyển biến.

122
Việc phạt tù lái xe say rượu không trái với Hiến pháp
(CSGT kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh)

Trong khi phạt tiền chưa chắc đã đem lại hiệu quả, việc phạt tù lái xe say rượu, bia chở quá tải chắc chắn sẽ có hiệu quả răn đe, khiến nhiều người không dám vi phạm. Quan trọng hơn, việc này không trái với Hiến pháp.

Trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5mg/lít khí thở); hình sự hóa đối với hành vi điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chở hàng quá tải trọng trên 150% từng bị xử phạt VPHC mà tái phạm. Xung quanh đề xuất này, Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia và đại biểu Quốc hội.

TS Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội):

Phạt tiền không sợ, phạt tù chắc chắn sợ!

162
 

TNGT hiện nay rất nhức nhối, chúng ta cần phải xử nghiêm, cần có chế tài nghiêm khắc đối với vi phạm giao thông, nhất là đối với hành vi uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện. Ở nhiều nước, phạt hành chính cũng phải ra tòa, thẩm phán sẽ quyết định. Chúng ta sau này cũng hướng tới xử lý bằng quyết định của tòa án chứ không phải cơ quan hành chính.

Nếu lái xe khi say rượu, bia có thể bị tạm giam, bắt lao động công ích. Cái đó phải ra tòa để quyết, lúc đó có thể là toà án hành chính xử lý. Hiện nay chúng ta vẫn nói luật của mình chưa nghiêm, khung phạt tiền đã tăng rất nhiều lần rồi, tăng 2-3 lần, thậm chí tăng 9-10 lần nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe nên cần có chế tài khác và bỏ tù là một biện pháp. Ví dụ nếu phạt tiền, với một người lái xe thuê thì người ta cũng chẳng có tiền đâu để mà nộp, nhưng nếu bắt giam một tuần thì họ sẽ sợ hơn, khi ấy thực thi sẽ dễ hơn. Khi không có tiền nộp, rất có thể sẽ nảy sinh việc trộm cắp hoặc cướp tài sản, như vậy, nếu nhốt vào lại ngăn ngừa được các tội phạm khác. Như vậy là cũng khả quan.

Nếu thực hiện đề xuất này thì trong Hiến pháp không phải sửa, vì trong Khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp có quy định về quyền cơ bản của công dân có thể hạn chế bằng luật; Trong trường hợp cần thiết, vì các lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… Rõ ràng lái xe vi phạm nếu gây tai nạn nghiêm trọng, tức là gây ảnh hưởng đến an toàn xã hội, đến sức khỏe cộng đồng, trong trường hợp đó Hiến pháp cho phép hạn chế quyền công dân, tức là tạm giam. Khi đó, chỉ cần trình ra Quốc hội, Quốc hội thông qua thì tức là được thực hiện, khả thi chứ không vướng mắc gì. Tôi ủng hộ việc hình sự hóa xử phạt tài xế chở quá tải, say rượu bia.

Ông Nguyễn Sỹ Cương (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Cần thiết hình sự hóa

163
 

Tôi ủng hộ đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về luật hóa để xử lý hình sự đối những tài xế chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt VPHC mà vẫn tái phạm nhiều lần. Cần phải luật hóa cũng như việc xử lý hình sự đối với các trường hợp tài xế vi phạm giao thông mà tái phạm nhiều lần, vượt ngưỡng quá nhiều hoặc chống người thi hành công vụ.

Đối với tài xế điều khiển ô tô mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Ví dụ, nồng độ cồn quy định 80 miligam/100ml máu, nếu người điều khiển xe ô tô trong máu vượt quá mức này từ 3-4 lần mà vẫn cố tình lái xe thì cần xử lý hình sự. Vì trường hợp người điều khiển phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn quá cao vẫn tiếp tục lái xe rất nguy hiểm, bởi sẽ là nguy cơ tiềm ẩn TNGT, có thể dẫn đến đâm chết người, cần phải áp dụng xử lý hình sự.

TS. Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển):

Sửa luật là được

164
 

Việc hình sự hóa phải theo thủ tục pháp luật, muốn hình sự hóa thì phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp, tôn trọng quyền công dân. Nếu hình sự hóa thì chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các nước. Một số nước cũng đã thực hiện việc giam giữ trong một thời hạn nhất định đối với những vi phạm như vậy. Nhưng muốn giam giữ thì phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, vì theo luật, giam giữ chỉ có trong Bộ luật Hình sự, chứ vi phạm hành chính mà bảo hình sự hóa là không được.

Nếu sửa đổi Bộ luật Hình sự thì không có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc, khi đó có quy trình, thủ tục, có thể trong trường hợp không như xét xử ở tòa một cách lâu dài, có thể trao quyền cho lực lượng thực thi pháp luật, đồng thời cho người bị xử phạt có quyền khiếu nại. Trước hết, phải nhìn nhận vấn đề, TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân và uống rượu, bia say là một trong nhiều nguyên nhân… Nhiều người kỳ vọng vào hiệu quả của việc hình sự hóa, nhưng cùng với đó là thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác nữa.

Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội):

Cần các ngành, các cấp cùng vào cuộc

165
 

Theo quan điểm của tôi, hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định là cực kỳ nguy hiểm, cần phải được xử lý nghiêm. Phạt tù lái xe say rượu, bia là giải pháp mạnh mẽ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu cụ thể, rõ ràng sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Và khi đã có luật, việc áp dụng cũng phải tiến hành phù hợp với tình hình thực tế, cũng như trước đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, rồi có thể áp dụng từng bước. Để thực hiện việc này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành, các cấp. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.