Hạ tầng

Phát triển giao thông nông thôn, điểm sáng nông thôn mới ở Nghệ An

27/12/2020, 14:00

Xây dựng NTM ở Nghi Lộc luôn phát huy vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng".

img

Đường làng, ngõ xóm ở xã Nghi Thiết được bê tông hóa 100%

Xây dựng nông thôn mới (NTM) hiệu quả, bền vững là khi tự thân người nông dân đã làm chủ nông thôn, vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Xuyên suốt quá trình 10 năm xây dựng NTM huyện Nghi Lộc (Nghệ An) luôn dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Phát triển giao thông nông thôn là điểm sáng trong phong trào nông thôn mới của huyện nhà.

Nhà nước và nhân dân cùng góp sức

Về các xã nông thôn mới của huyện Nghi Lộc chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những đổi thay kỳ diệu, những con đường lầy lội bùn đất nay được bê tông hóa sạch đẹp; nhiều ngôi nhà được xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi. Đường làng, ngõ xóm ngợp cờ hoa, nông thôn Nghi Lộc như khoác lên mình một chiếc áo mới.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chia sẻ, hơn 9 năm trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, hạ tầng nông thôn của huyện rất yếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều người nghĩ xây dựng huyện NTM chỉ là giấc mơ xa vời. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận chung sức của người dân, 28/28 xã trong huyện đã chạm đích NTM trong năm 2020”.

img

Người dân xã Nghi Tiến sôi nổi với các hoạt động thể dục thể thao

Từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, mặc dù năm 2020 với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng huyện Nghi Lộc đã chủ động triển khai xây dựng 11 cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM, trích ngân sách hỗ trợ 9.302 tấn xi măng để các xã làm đường giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa; hỗ trợ xây dựng được 7 nhà văn hóa sau sáp nhập, xây mới 5 nhà văn hóa với trị giá 300 triệu đồng/ nhà. Cùng với đó, huyện Nghi Lộc nỗ lực đưa 7 xã còn lại khó khăn nhất về đích NTM và phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cấp huyện.

Để mở rộng đường giao thông nông thôn, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến 3.105.000 m2 đất, tháo dỡ hàng nghìn công trình, góp 857.000 ngày công để mở rộng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, làm nhà văn hóa và huy động 6.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng NTM trên toàn huyện.

Đến nay, 100% tuyến đường trục chính của xã, 92% đường thôn, xóm được bê tông hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng trích kinh phí trên 9 tỷ đồng để hỗ trợ các xã phát triển sản xuất, xây dựng vườn chuẩn, hỗ trợ phát triển HTX và các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn theo chương trình OCOP.

img

Con đường đất ghồ ghề vào trung tâm xã Nghi Kiều được khoác lên mình chiếc áo mới

Chị Nguyễn Thị Huyên (trú xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) cho biết, “trước đây các trục đường của xã đều là đường đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, các em học sinh đi tới trường luôn lấm lem bùn đất. Từ khi có chủ trương xây dựng NTM nhà nước và nhân dân cùng góp sức, nay 100% các tuyến đường trong xã được bê tông hóa, rộng rãi đi lại rất thuận tiện, an toàn. Để các tuyến đường làng, ngõ xóm luôn được sạch, đẹp, hàng tháng “Hội phụ nữ xã” sẽ tổ chức dọn dẹp, cắt tỉa cây, trồng hoa hai bên đường”.

Bừng sáng bức tranh nông thôn

Là huyện có diện tích lớn, có 28 xã, thị trấn, dân số đông, giáo dân chiếm tỷ lệ lớn... nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, tổ chức chọn đúng điểm, đúng xã, đúng tiêu chí để phấn đấu, có trọng tâm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

img

Cánh đồng lúa trĩu nặng bông ở xã Nghi Diên

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình NTM trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt, an ninh trật tự xã hội được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, quy mô sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao.

Để phong trào xây dựng NTM ở huyện Nghi Lộc đạt được kết quả thiết thực, mặt trận tổ quốc, cùng các tổ chức đoàn thể đã cùng nhau chung tay xây dựng: Hội phụ nữ với phong trào xây dựng “đoạn đường hoa”, “khu vườn kiểu mẫu”, “đoạn đường xanh sạch đẹp”; Hội cựu chiến binh với mô hình “Tổ an ninh tự quản”; Huyện đoàn với chương trình hỗ trợ xây dựng các khu vui chơi góp phần hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở; Hội nông dân thực hiện chương trình “mỗi làng, xã một sản phẩm”, MTTQ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM và đô thị văn minh”; phong trào xây dựng "tuyến đường cờ" được triển khai xây dựng tại 28/28 xã, thị trấn tạo ra những điểm nhấn về những tuyến đường đẹp và có ý nghĩa tuyên truyền to lớn.

img

Nhờ NTM mà đời sống của người dân huyện Nghi Lộc được nâng cao rõ rệt

Hiện, xã Nghi Xuân đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 với kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa đồng bộ, môi trường đảm bảo xanh, sạch; đẹp, đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Còn các xã Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Diên, Nghi Phương, Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Đồng có hệ thống giao thông thông thoáng, rộng rãi; có hệ thống mương thoát nước; hai bên lề đường được nhân dân triển khai trồng hoa và cây xanh; các trục đường giao thông được lắp điện chiếu sáng đảm bảo yêu cầu tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp. Công tác môi trường được xã quan tâm thực hiện, công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải được tập trung thực hiện.

img

Mô hình trồng trầu không ở Nghi Trường cho thu hoạch 100 triệu/ sào

Hiện nay, ở một số xã trong huyện có các mô hình phát triển nông nghiệp có thu nhập cao như: Dưa, rau củ quả ở Nghi Long thu nhập 350 triệu đồng/ha/năm, sản xuất dưa lưới, dưa chuột Isarel trong nhà màng ở Nghi Long, Khánh Hợp, Nghi Xá, Nghi Thịnh cho thu nhập gần 2 tỷ đồng/ha/năm.

Xã Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Thái, Nghi Hưng, Nghi Long, Nghi Trung... có các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 hiệu quả, các HTX làm tốt công tác dịch vụ, hỗ trợ thành viên HTX phát triển sản xuất; có các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX.

img

Vườn dưa lưới ở xã Nghi Long cho thu nhập 300 triệu/năm

Bên cạnh đó, xã Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Vạn có phong trào văn hóa, văn nghệ hoạt động phong phú và đa dạng; các xã đã xây dựng và duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ dân ca ví dặm xứ Nghệ, dân ca dân vũ từ đó phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản được UNESCO công nhận.

Thực hiện chương trình NTM cùng các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân đã thực sự tạo chuyển biến lớn đến tư duy trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ nông dân trước kia có mức thu nhập mới chỉ dừng lại vài chục triệu đồng/năm thì nay có không ít hộ nông dân đã có số thu từ ruộng vườn, chăn nuôi lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.