Y tế

Phát triển y tế cơ sở, giải bài toán quá tải tuyến trên

06/12/2019, 09:25

Các trạm y tế từng bước quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tâm thần phân liệt, động kinh...

img
Người dân thăm khám tại Trạm Y tế Tây Mỗ, Hà Nội

Hiệu quả từ các trạm y tế điểm

Hiện nhiều trạm y tế tại các địa phương đều đã đáp ứng yêu cầu cơ bản trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Nhiều nơi đã tiến hành lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cá nhân, và từng bước quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại địa bàn như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tâm thần phân liệt; động kinh...

Tại Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội), từ khi triển khai mô hình trạm y tế điểm đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám tăng gấp đôi, trung bình mỗi ngày có khảng 50- 60 lượt bệnh nhân. Theo lãnh đạo Trạm Y tế xã Tân Hội, tại đây hoạt động song song mô hình phòng khám bác sỹ gia đình và quản lý sức khỏe toàn dân. Theo đó, tỷ lệ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn xã đạt 97%. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 91%. Trạm cũng quản lý và điều trị cho 375 bệnh nhân tăng huyết áp và 109 bệnh nhân đái tháo đường.

Không chỉ chuyển mình về cơ sở vật chất, với việc bố trí phòng chức năng được bố trí khoa học, trang bị đầy đủ các thiết bị sơ cấp cứu ban đầu và khám chữa bệnh như máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, đường huyết, các trạm y tế điểm còn được sự phối hợp hỗ trợ về chuyên môn từ các bệnh viện thành phố và trung ương. Các bệnh viện chuyên khoa như BV Tim Hà Nội, BV Châm cứu TƯ... thường xuyên cử bác sĩ đến khám chữa bệnh tại trạm 1 lần/tuần, công tác khám chữa bệnh tại trạm đã phát huy hiệu quả.

Bà Trần Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho hay, thời gian qua người dân phấn khởi khi đến trạm y tế được các bác sỹ của bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố trực tiếp khám bệnh. Người dân cũng nhận thấy rõ lợi ích của công tác quản lý bệnh không lây nhiễm theo mô hình bác sỹ gia đình. Khi mệt mỏi, người dân có thể ra ngay trạm y tế thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh sớm mà không phải chờ đợi như đến các bệnh viện tuyến trên.

Sẽ có chính sách thu hút nhân lực về cơ sở

Theo thống kê của ngành Y tế, hiện có đến 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện, 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.

Để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trạm y tế; phối hợp với các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện E, Châm cứu Trung ương, Nội tiết Trung ương, Thanh Nhàn, Tim Hà Nội hỗ trợ các trạm y tế.

"Cùng với việc thu hút bác sỹ về công tác tại trạm y tế, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sỹ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở", ông Hiền cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, Bộ sẽ từng bước đổi mới về phương thức chi trả; ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp khả năng chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước.

“Bộ cũng tính tới phương án phân loại các trạm y tế xã để đầu tư, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực”, ông Liên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để y tế cơ sở làm tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, Bộ Y tế sẽ cần tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị. Đồng thời tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho viên chức y tế cơ sở.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.