Xã hội

Phạt vi phạm giao thông phải có 2 người làm chứng: Khó cho CSGT?

17/04/2019, 06:43

Quy định khi lập biên bản xử phạt phải có 2 người làm chứng được cho là gây nhiều khó khăn cho lực lượng CSGT trong quá trình làm nhiệm vụ...

img
Việc xử phạt tại những nơi vắng vẻ, trời tối rất khó để tìm được 2 người làm chứng theo quy định

Không ít ý kiến đề xuất sửa quy định này nhằm đảm bảo mọi vi phạm phải được xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo trật tự ATGT.

Thời gian kéo dài vì khó mời nhân chứng

Tại Hội nghị sơ kết đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộđường sắt mới đây, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT- Bộ Công an cho biết, từ thực tiễn xử lý vi phạm cho thấy, quy định khi lập biên bản xử phạt phải có 2 người làm chứng là rất khó khăn.

“Nếu sự việc xảy ra buổi tối và rất nhanh thì lấy đâu người làm chứng? Như hành vi sử dụng tay để rút điện thoại khi tham gia giao thông, hay hành vi vượt đèn vàng, đều là những hành vi xảy ra trong thời gian ngắn, xử phạt rất khó khăn, trìu tượng. Cũng bởi thế mà mỗi ngày lực lượng CSGT nhận được hơn chục trường hợp khiếu nại về công tác xử phạt hành chính trên đường”, ông Đức dẫn chứng.

Phản ánh thực tế, Trung tá Bùi Xuân Phương, Đội phó Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, theo quy trình, khi phát hiện người điều khiển phương tiện vi phạm, CSGT sẽ dừng xe, tiến hành lập biên bản. Lúc này, người điều khiển phương tiện phải xuất trình giấy tờ liên quan. Nếu người vi phạm đồng ý ký vào biên bản thì không vấn đề gì. Nhưng nếu họ không đồng ý hoặc bỏ đi, CSGT phải mời được 2 nhân chứng chứng kiến sự việc và lập biên bản, tạm giữ giấy tờ để tránh việc khiếu nại, kiện tụng về sau. Nếu không có nhân chứng thì biên bản đó không có hiệu lực. “Chính vì quy định này mà việc xử lý kéo dài, rất mất thời gian”, Trung tá Phương nói.

Trung tá Vũ Mạnh Nam, Đội phó Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, đối với tuyến đường nhiều người đi lại thì việc mời người làm chứng dễ dàng. Tuy nhiên, ở những tuyến đường vắng không phải lúc nào cũng tìm được nhân chứng. “Nhưng thực tế không phải người nào cũng sẵn sàng làm. Ngay cả khi mời người làm chứng đến họ cũng hoàn toàn không biết sự việc vi phạm từ đầu, mà người làm chứng chỉ chứng kiến việc CSGT lập biên bản ở thời điểm hiện tại”, Trung tá Nam nêu thực tế.

Cho phép dùng hình ảnh thay người làm chứng?

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho biết, theo quy định hiện hành nếu người điều khiển phương tiện không ký vào biên bản vi phạm, CSGT làm nhiệm vụ vẫn tiến hành lập biên bản và lấy chữ kí của 2 người chứng kiến sự việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở những đoạn đường vắng hay tối khuya, rất ít người có thể chứng kiến được toàn bộ sự việc. Việc mời nhân chứng hầu như chỉ để họ chứng kiến việc CSGT lập biên bản, tạm giữ giấy tờ.

Để giải quyết bất cập này, Đại tá Sơn kiến nghị: “Nên chăng chúng ta phải có quy định rõ ràng hơn. Ví dụ, đối với trường hợp vi phạm giao thông ở đoạn đường xa, vắng có thể củng cố chứng cứ bằng nhiều biện pháp như camera hình ảnh để chứng minh việc đó, không nhất thiết phải có người làm chứng trực tiếp. Với các trường hợp vi phạm rõ ràng mà không chấp hành xử phạt thì CSGT có quyền tiến hành tạm giữ phương tiện, thay vì chỉ giữ giấy tờ như hiện nay. Xa hơn nữa, cần phải đẩy nhanh việc lắp camera trên toàn quốc để tăng cường phạt nguội, hạn chế việc CSGT phải ra đường”.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp cần 2 người chứng kiến ký vào biên bản chỉ đặt ra khi người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản. Quy định này là cần thiết, bởi lẽ nếu không việc xử phạt sẽ không khách quan. Đối với các trường hợp không lấy được chữ ký của người làm chứng thì có thể lấy chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm.

Cho rằng quy định này sẽ phần nào gây khó khăn cho công tác xử phạt nếu sự việc xảy ra vào buổi tối, rất nhanh, tại nơi vắng vẻ, luật sư Cường đề xuất tăng cường việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm thay cho việc bắt lỗi vi phạm bằng mắt thường. Ngoài ra cũng có thể nghiên cứu sửa đổi luật theo hướng xử phạt tại chỗ với mức tiền phạt cao hơn, thay vì chỉ những lỗi dưới 250.000 đồng như hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.