Thế giới giao thông

Phạt vi phạm giao thông qua thẻ triệt tiêu tham nhũng

18/02/2016, 17:24

Tiền phạt vi phạm được trả bằng thẻ, qua giao dịch trực tuyến ngay tại địa điểm bị bắt....

Từ đầu năm nay, Mumbai đã áp dụng hình th
Từ đầu năm nay, Mumbai đã áp dụng hình thức trả tiền phạt qua thẻ ngân hàng

Để tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chống tham nhũng, nhiều nơi trên thế giới áp dụng hình thức đóng tiền vi phạm giao thông qua tài khoản ngân hàng như Mỹ, New Zealand... và mới đây là Dubai (UAE) và Mumbai (Ấn Độ).

Phạt qua thẻ tại hiện trường vi phạm

Đầu năm ngoái, TP Dubai (UAE - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) bắt đầu mở các kênh thu phí phạt vi phạm giao thông tại ngân hàng, qua chuyển khoản hoặc tại các điểm ATM để cắt giảm thời gian thủ tục. Cảnh sát Dubai ký thỏa thuận với Công ty Wall Street để kích hoạt các kênh trả tiền mới với sự tham gia của 22 ngân hàng. Tiếp tục nỗ lực tối đa hóa thuận tiện cho người dân, giữa năm 2015, giới chức Dubai cho phép người vi phạm nộp phạt bằng thẻ ngân hàng ngay tại xe tuần tra cảnh sát. Hơn nữa, người dân còn có thể lựa chọn chia nhỏ khoản phí phạt thành nhiều phần với lãi suất 0%.

Giám đốc Phòng Dịch vụ cảnh sát Công nghệ cao tại Dubai - Khalid Al Razouki cho biết, mỗi xe cảnh sát tuần tra sẽ được trang bị máy đọc thẻ ngân hàng, sẵn sàng thu phí qua thẻ ngay tại hiện trường. Cảnh sát Dubai và Ngân hàng Emirates NBD đã phối hợp lập gói dịch vụ cho phép người sử dụng có thể trả phí phạt theo hướng trả góp, không lãi suất trong 3-12 tháng.

Giám đốc Phòng Cảnh sát Dubai, Tướng Khamis Mattar Al Muzaina đánh giá: “Hình thức này giúp các dịch vụ của cảnh sát thông minh hơn, góp phần đưa Dubai trở thành thành phố thông minh”.

Bùng phát trộm tài khoản ngân hàng trả phí phạt giao thông

Dù nhanh gọn thuận tiện nhưng hình thức này tại Dubai bộc lộ không ít sơ hở. Ngay tháng đầu tiên áp dụng hình thức trả qua thẻ ngân hàng, cảnh sát Dubai phát hiện tình trạng lừa đảo trộm tài khoản ngân hàng để trả phí phạt giao thông. Một số đối tượng nước ngoài ăn trộm nhiều tài khoản thẻ tín dụng và visa của người dân tại UAE và sử dụng để trả tiền phạt cho những người khác kiếm lợi.

Hồi tháng 2/2015 xảy ra vụ một tài xế tại UAE bỗng nhận cuộc gọi từ một người đàn ông lạ mặt ở nước ngoài, đề nghị trả 50% giá trị phí phạt, đổi lại thông tin tài khoản ngân hàng của người này. Nghe bùi tai, người này lập tức chấp nhận lời đề nghị. Anh mừng rỡ khi xác nhận thấy tất cả tiền phạt đều đã được chuyển khoản đúng như lời hứa.

Sau đó, tài xế đã giới thiệu thêm nhiều người khác tới người lạ mặt để đổi lấy hoa hồng mà không hề biết mình đang phạm luật. Khi bị cảnh sát bắt giữ điều tra, người này mới té ngửa rằng mình bị trộm tài khoản và trở thành con mồi để đối tượng lừa đảo kia “săn hành khách” kiếm tiền. Giám đốc Đồn cảnh sát Rashidiya tại Dubai - Saeed Al Ayali cho biết, thẻ tài khoản bị trộm cắp đã được sử dụng để trả một số hóa đơn Nhà nước UAE và tiền phạt vi phạm giao thông cho 15 người khác.

Tiêu diệt “gốc rễ” tham nhũng

Mới đây nhất, tại Mumbai (Ấn Độ), từ 12/1, bắt đầu thực hiện thu tiền phạt vi phạm giao thông qua tài khoản ngân hàng nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân, nhất là hạn chế tham nhũng trong bộ máy cảnh sát cũng như phát hiện các trường hợp tái phạm.

Tiền phạt vi phạm được trả bằng thẻ, qua giao dịch trực tuyến ngay tại địa điểm bị bắt hoặc trong 15 ngày kể từ ngày vi phạm qua hệ thống National Electronic Funds Transfer (NEFT) (đối với những người không có thẻ hoặc không mang thẻ ở thời điểm bị phát hiện vi phạm giao thông). Thành phố sẽ phát 1.000 máy quẹt thẻ (e-challan) cho các xe cảnh sát tuần tra. Người vi phạm sẽ phải trả thêm Rs 9,5 (hơn 3.000 VNĐ) phí dịch vụ cho mỗi lần giao dịch qua hệ thống này.

Lâu nay, người vi phạm thường “đi đêm” một khoản cho cảnh sát giao thông thay vì ghi vé phạt để “đi nhanh”. Người dân và giới chức Mumbai đều hy vọng hình thức thu phạt mới sẽ chấm dứt tình trạng này từ gốc rễ, vốn là nỗi nhức nhối, làm xấu hình ảnh cảnh sát cũng như làm mất lòng tin của người dân với chính quyền. Sau 6 tháng thử nghiệm, nếu khả quan, ý tưởng này sẽ được áp dụng rộng khắp TP Mumbai.

“Cha đẻ” của ý tưởng này là Cảnh sát trưởng Mumbai Milind Bharambe chia sẻ: “Giao dịch trực tuyến, đồng nghĩa sẽ không còn hình thức nộp phạt bằng tiền mặt, qua đó cắt đứt cơ hội tham nhũng giữa người vi phạm với cảnh sát”.

Bên cạnh đó, một cảnh sát giao thông Mumbai cho biết: “Hệ thống này cũng giúp chúng tôi xác định được những người tái phạm, bởi mọi thứ đều được số hóa, tất cả dữ liệu vi phạm được lưu trữ và cập nhật hàng ngày”. Nếu tái phạm, người vi phạm sẽ phải nộp phạt gấp đôi mức phạt đầu tiên. Chẳng hạn, với lỗi vượt quá tốc độ, mức phạt lần vi phạm đầu tiên là 400 Rupee  (hơn 131 nghìn đồng); Trong khi lần tái phạm sẽ bị phạt lên tới 1.000 Rupee  (hơn 320 nghìn đồng).

Đi trước Mumbai, Nam Phi đã áp dụng hình thức thu phí phạt giao thông qua tài khoản ngân hàng và trực tuyến với phương thức tương tự cũng nhằm mục đích chống tham nhũng. Ông Wayne Minnaar, Giám đốc Sở Cảnh sát Thủ đô Johannesburg cho biết, người dân nhận thấy phương pháp trả phạt qua tài khoản ngân hàng rất tiện lợi, không phải chờ đợi hàng dài như trước đồng thời hạn chế khả năng tham nhũng, sai phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.