Tâm sự

Phép màu “tình yêu da cam”

14/05/2017, 18:24

Quen nhau một tuần rồi tổ chức đám cưới, nhưng 13 năm qua chị Yến vẫn không ngừng nỗ lực, bươn chải...

16

Hơn 13 năm qua, chị Yến là chỗ dựa để anh Bình thấy cuộc sống có ý nghĩa

Hạnh phúc từ nỗi đau

Dù không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, khi vừa sinh ra chị Phan Thị Yến (SN 1979, trú xóm 2, xã Hưng Chính, TP Vinh, Nghệ An) đã bị hở hàm ếch, trí não chậm phát triển. Mặc dù gia đình cựu chiến binh Phan Đình Minh (bố chị Yến) đã đưa con đi khắp các bệnh viện chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau này, gia đình ông Minh như ngã quỵ khi hay tin chị Yến bị nhiễm chất độc da cam từ bố.

Còn anh Ngô Xuân Bình (SN 1976), sinh ra và lớn lên trong gia đình có 5 anh em, cũng bị di chứng chất độc da cam từ người bố, hai chân bị liệt nên việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài anh ra, người em trai cũng bị di chứng chất độc da cam hiện bị câm điếc, thần kinh không ổn định khiến cuộc sống gia đình thêm khó khăn vất vả.

"Trong thời gian vừa qua, các cấp hội, tổ chức đoàn thể luôn quan tâm thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình chị Yến, anh Bình vượt qua nỗi đau da cam. Nghị lực vượt khó vươn lên của Yến là tấm gương cho các hội viên khác noi theo."

Bà Nguyễn Thị Lan
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Hưng Chính
TP Vinh (Nghệ An)

Số phận run rủi, bố anh Bình và ông Minh lại là đồng đội. Trong những lần đến nhà đồng đội chơi, hai người lính già đã âm thầm mai mối cho hai con nên duyên vợ chồng. Mặc dù được bố làm công tác tư tưởng rất kỹ, nhưng khi gặp anh Bình, chị Yến cũng không thể ngờ rằng, người mình sẽ chung sống suốt cả cuộc đời lại bị tàn tật ngồi một chỗ như vậy. “Đầu anh Bình nghiêng sang một bên, hai tay cong queo, đôi chân teo tóp, nên mỗi khi muốn đi đâu phải có người dìu. Do khuôn mặt bị méo xệch nên việc phát âm của anh trong giao tiếp cũng gặp nhiều khó khăn. Sau lần gặp ấy, bản thân tôi trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Không lo lắng sao được khi cả hai cùng kém may mắn, sức khỏe yếu, lấy nhau về rồi làm gì để nuôi nhau. Nhưng rồi, mình đã gạt bỏ tất cả để chấp nhận cuộc hôn nhân này”, chị Yến chia sẻ.

Chỉ sau một tuần quen biết, tháng 10/2004, một đám cưới đặc biệt của hai mảnh đời da cam diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình, bạn bè và bà con chòm xóm. Hình ảnh cô dâu rạng rỡ trong bộ váy cưới màu trắng, tay đẩy chú rể trên chiếc xe lăn lên hôn trường ra mắt mọi người đã khiến những người có mặt trào nước mắt.

Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với đôi vợ chồng khuyết tật này, khi chị Yến mang thai đứa con đầu lòng vào năm 2005. “Khi biết mình mang thai tôi lo nhiều hơn vui, chỉ sợ con sinh ra lại bị di chứng da cam như bố mẹ thì càng thêm khổ. May sao con chào đời khỏe mạnh. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất mà ông trời ban tặng cho hai vợ chồng”, chị Yến tâm sự.

Vượt lên trong gian khổ

Để có tiền trang trải cuộc sống, chị Yến phải xoay xở nhiều nghề. Sẵn có nghề may trong tay, chị nhận sửa quần áo cho bà con chòm xóm trong vùng, mỗi ngày cũng kiếm được 50- 60 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi đó cộng với tiền hưởng từ chế độ của nạn nhân chất độc da cam nếu khéo “chắt bóp” cũng đủ trang trải thuốc men cho chồng và nuôi con. Đáng nói, sức khỏe của anh Bình ngày một yếu đi, đôi chân bị liệt không thể cử động nên phải ngồi xe lăn. Bởi vậy, mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt của anh đều một tay chị lo. Năm 2009, các cấp chính quyền, đoàn thể, anh em họ hàng, đã chung tay xây dựng cho anh chị ngôi nhà tình nghĩa rộng 65m2 để hai vợ chồng có nơi ăn chốn ở.

Năm 2013, chị Yến may mắn được tham gia lớp học làm hoa lụa và hoa đá do Hội Phụ nữ xã Hưng Chính tổ chức dành riêng cho những người phụ nữ kém may mắn. Nhờ sự chăm chỉ chịu khó học hỏi, cùng với đôi bàn tay khéo léo chị đã tạo ra những lẵng hoa đẹp được nhiều người khen ngợi. Ngoài ra, chị còn là điểm tựa cho những người không may mắn bị khuyết tật tìm đến học hỏi, dạy nghề.

“Với những người bình thường, họ cố gắng một thì tôi phải nỗ lực gấp bội phần. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, nhưng nhìn cảnh chồng ngồi một chỗ, đứa con nhỏ hồn nhiên chơi đùa. Tôi lại tự động viên mình phải cố gắng làm việc để kiếm tiền thuốc men cho chồng và lo cho con”, chị Yến trải lòng.

Hướng ánh mắt về người vợ tảo tần, bằng giọng nói ngọng nghịu anh Bình tâm sự: “Từ ngày về sống chung một nhà với cô ấy, tôi thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Tôi nợ vợ tôi rất nhiều. Chính cô ấy đã cho tôi một gia đình hạnh phúc ấm áp tình yêu thương”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.