Phía sau tuyên bố đe chiến tranh với TQ của Tổng thống Philippines Duterte

30/05/2018, 07:14

Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố nước ông sẽ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc nếu Bắc Kinh vượt qua “ranh giới đỏ”.

24

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố nước ông sẽ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc nếu Bắc Kinh vượt qua “ranh giới đỏ”. Cụ thể là tiến hành khai thác các nguồn tài nguyên trong các vùng biển tranh chấp trên biển Đông.

"Ranh giới đỏ"

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano ngày 28/5 đã cảnh báo Trung Quốc về “ranh giới đỏ”, hay các hành động mà Manila không chấp nhận ở biển Đông, bao gồm hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough trên khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở biển Đông.

Ông Cayetano nói rằng, việc Trung Quốc đang tìm cách khai thác dầu mỏ và khí đốt từ biển Đông là một trong những hành động mà ông Duterte không chấp nhận.

Quan chức ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Không ai được phép tự ý khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó. Tổng thống (Duterte) tuyên bố rằng, nếu ai khai thác tài nguyên ở Scarborough, ông sẽ tuyên bố chiến tranh”.

Những tuyên bố cứng rắn trên được đưa ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị các nhóm cánh tả chỉ trích vì không nêu cao báo động công khai đối với những hành động sai trái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, như triển khai tên lửa phòng không ra đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), cũng như không yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) trong vụ kiện về biển Đông của Philippines năm 2016.

Phán quyết này đã vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền sai trái về cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tự nhận là lãnh thổ của mình ở biển Đông.

Trong khi đó, ông Cayetano cho biết, kể từ khi ông được Tổng thống Duterte bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Bộ Ngoại giao năm 2017, Philippines và Trung Quốc đã thảo luận nhiều vấn đề gai góc về tranh chấp chủ quyền. Manila luôn coi các hành động của Bắc Kinh như xây dựng công trình trên bãi cạn Scarborough hoặc dỡ bỏ tàu hải quân mắc cạn của Philippines tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là không thể chấp nhận được.

Chỉ lên tiếng khi cần thiết

Giới chính khách Philippines cho rằng, lên nắm quyền từ tháng 5/2016, Tổng thống Duterte đã tuyên bố chính sách đối ngoại không hướng nhiều về phía đồng minh thân cận Mỹ mà lại quay ra thân thiện với Bắc Kinh, tìm cách thúc đẩy thương mại, đầu tư và các quỹ cơ sở hạ tầng với nền kinh tế số 2 thế giới.

Bộ trưởng Cayetano đã kiên quyết bảo vệ Tổng thống đương nhiệm, người đã rất cứng rắn trong cuộc đàn áp nạn buôn ma túy trái phép khiến hàng nghìn người chết hồi cuối năm 2016. Quan chức ngoại giao này cho rằng, chính sách ngoại giao của Philippines không cần thiết phải như “một cái loa” - công bố mọi hành động, trừ khi việc thông báo đem lại lợi ích cho đất nước. Nhưng ông này cũng khẳng định, Bộ Ngoại giao Philippines vẫn đang thực hiện tất cả các hành động ngoại giao cần thiết.

Ông Cayetano thẳng thắn nhắm vào những chỉ trích của phe cánh tả: “Vào đúng thời điểm, chúng tôi sẽ chứng minh các anh sai vì không có gì là bí mật mãi mãi. Chúng tôi sẽ tiết lộ tất cả những điều này khi chúng tôi đã đạt được mục đích dài hạn”.

“Quân đội Philippines không nên bị “làm phiền” khi đang tập trung vào việc tái thiết và củng cố lực lượng”, quan chức ngoại giao hàng đầu Philippines hé lộ về mục đích dài hạn cho việc “nhún nhường” thời gian qua của nước này.

Ông Cayetano khẳng định, Trung Quốc đã cam kết với Philippines rằng, không chiếm đóng mới các khu vực không có người ở (các bãi đá ngầm, bãi cạn ở biển Đông) theo thỏa thuận đã ký năm 2002 và “chúng ta không nên làm xấu hổ lẫn nhau trên phương diện đa phương cũng như song phương”.

Ông Cayetano chỉ ra dẫn chứng, các ngư dân Philippines đã bị Trung Quốc cản trở hoạt động khai thác hải sản trước đây nhưng đã được phép trở lại khu vực bãi cạn Scarborough. Ngoài ra, ngư dân nuôi các loại thủy sản không còn bị giới hạn tại khu vực đầm phá rộng lớn ở bãi cạn. Đồng thời, tàu thuyền được phép vào đầm phá này để đảm bảo an toàn trong thời tiết nguy hiểm.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, phương pháp của Tổng thống Duterte đã khuyến khích Trung Quốc ngày càng cương quyết hơn về việc kiểm soát tuyến đường thủy trên biển Đông, nơi rất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt mà trong đó nhiều vùng nằm trong khu vực tranh chấp với các nước trong khu vực.

Mỹ thực hiện “tự do hàng hải” trên biển Đông

Sự việc tàu tuần dương được trang bị tên lửa Higgins và Antietam của Mỹ tiến gần các đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam như Tri Tôn và Phú Lâm mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép gần đây, đã khiến Bắc Kinh tức giận và coi đó là “hành động khiêu khích” của Washington.

Tuy nhiên, phía Mỹ cũng tuyên bố rằng, hành động trên để thể hiện quyết tâm thực thi “quyền tự do hàng hải” (hay còn gọi là FONOPS). Hải quân Mỹ nói rằng, đây là một biện pháp để thách thức các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh và duy trì quyền sử dụng biển theo luật pháp quốc tế. FONOPS thường xuyên được tiến hành tại các vùng biển tranh chấp trên khắp thế giới.

Phát ngôn viên Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Clay Doss nói trên Times rằng, các hoạt động tương tự đã được tiến hành ở 22 quốc gia. Các hoạt động này “không nhắm vào một quốc gia, cũng không phải đưa ra tuyên bố chính trị”.

Trung tá Doss nói: Trung Quốc gần đây đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo tranh chấp và củng cố căn cứ quân sự ở cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Vì thế, các quan chức Mỹ cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc đã “nuốt lời” khi tuyên bố vào năm 2015 rằng, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.