Thế giới

Phía sau việc Trung Quốc đáp máy bay quân sự xuống Trường Sa

20/04/2016, 07:58

Trước đó, ngày 18/4, Trung Quốc đưa máy bay quân sự đáp xuống đường băng mới xây dựng trên đá Chữ Thập.

Máy bay vận tải quân sự  Trung Quốc đáp xuống Đá C

Máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đáp xuống Đá Chữ Thập

Hôm qua (19/4), CNN đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đáp máy bay quân sự xuống đá Chữ Thập được bồi đắp trái phép trên biển Đông.

Trước đó, ngày 18/4, Trung Quốc đưa máy bay quân sự đáp xuống đường băng mới xây dựng trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đưa ba công nhân bị ốm nặng tới đảo Hải Nam chữa trị - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết. Động thái này là một phần trong “hoạt động truyền thống” của quân đội Trung Quốc và không có gì “đáng ngạc nhiên”, ông Khảng nói.

Tuy nhiên, ông Jeff Davis – Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nghi vấn: “Chúng tôi biết việc Trung Quốc đáp máy bay quân sự xuống đá Chữ Thập để thực hiện công việc được cho là nhân đạo nhằm cứu hộ 3 công nhân ốm nặng. Nhưng câu hỏi đặt ra: Tại sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự mà không dùng máy bay dân sự.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai tuyên bố đáp máy bay quân sự xuống đường băng xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập. Nhưng chưa rõ đây có phải là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện động thái này hay không”.  Ông Jeff Davis cũng kêu gọi Trung Quốc tái cam kết không triển khai máy bay quân sự tới các đảo, đá nhân tạo tại Trường Sa lên ưu tiên hàng đầu; Và khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục kế hoạch “tự do hàng hải” tại khu vực này.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về “tuyên bố đường chín đoạn” trên biển Đông sẽ là cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại các cuộc đàm phán liên quan tới tranh chấp lãnh thổ. Dự kiến, phán quyết này sẽ được thông báo vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Bên cạnh đó, ông Swire khẳng định, mặc dù mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang ấm dần lên và Anh đang kêu gọi đầu tư Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa Anh sẽ “ngậm miệng” về những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông. “Dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế, chúng tôi hy vọng, phán quyết từ Tòa án Quốc tế sẽ được các bên liên quan tuân thủ bất kể phán quyết đó có lợi cho bên nào”, ông Swire kêu gọi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.