Xã hội

Phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ QH: Trúng vấn đề, mong rõ hơn giải pháp

17/03/2022, 11:56

Phiên chất vấn lần đầu tiên được tổ chức tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã đề cập đến những vấn đề thời sự nóng.

Đem "hơi thở cuộc sống" vào nghị trường

Hôm qua (16/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành cả ngày để tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn về những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Đây là phiên chất vấn, trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, cũng là lần đầu tiên kể từ phiên họp tháng 8/2019.

img

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An

Nội dung của phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong lĩnh vực công thương với trọng tâm là tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường với trọng tâm là tình hình đấu giá đất và quản lý môi trường được dư luận đánh giá cao về về chất lượng cả câu hỏi của đại biểu và phần trả lời của các Bộ trưởng.

Qua phiên chất vấn cũng cho thấy việc lựa chọn và quyết định hai nội dung chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV là đúng và trúng, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính quan trọng, cơ bản và lâu dài.

"Nhiều vấn đề nóng hổi và có tính cấp bách như giá xăng dầu, tình trạng ùn tắc nông sản, hay hiện tượng lũng đoạn thị trường bất động sản, đẩy giá cao bất thường, "quân xanh – quân đỏ" trong đấu giá đất đã được đưa ra chất vấn, điều này thể hiện sự nhạy bén của Quốc hội trước những vấn đề cử tri, nhân dân đang được nhân dân quan tâm", bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu quan điểm.

Bà Bùi Thị An cũng cho rằng, việc thực hiện lựa chọn hình thức mở rộng đội tượng chất vấn gồm tất cả các đại biểu ở các đoàn tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này cũng cho thấy sự đổi mới và nâng cao tính dân chủ.

"Dù là phiên chất vấn được tiến hành do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức nhưng tất cả các đoàn đại biểu của 63 tỉnh, thành phố đều được tham gia. Điều này sẽ làm cho những câu hỏi đa dạng hơn, từ đó đòi hỏi các trưởng ngành phải nắm được chắc vấn đề thì mới có câu trả lời thỏa đáng. Đây là sự đổi mới cần thiết và được cử tri, nhân dân đánh giá cao", bà An nói và cho biết, đây cũng phần nào thể hiện quan điểm đem "hơi thở cuộc sống" vào nghị trường của Quốc hội khóa XV.

img

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Có những vấn đề, Bộ trưởng không dám hứa

Đánh giá về phần trả lời chất vấn của hai trưởng ngành (Bộ Công thương và Bộ TN&MT), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cơ bản những câu trả lời của hai Bộ trưởng đã đáp ứng được những vấn đề mà các ĐBQH nêu ra.

"Nhìn chung Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nắm chắc những vấn đề mà mình quản lý. Các câu trả lời của hai vị đã giải đáp được đa số những câu hỏi của các đại biểu chất vấn", ông Hòa nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoà, Bộ trưởng Công thương cũng gặp một vài tình huống khó trong trả lời, có những nội dung chưa được Bộ trưởng trả lời thấu đáo, hết đại ý câu hỏi của đại biểu Quốc hội nêu ra làm cho chủ tọa phải nhắc nhở.

Vị đại biểu đến từ đoàn Đồng Tháp cũng chỉ ra một số nội dung cử tri rất quan tâm mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên "chưa trả lời được", "chưa dám hứa còn hay không" như tình hình ách tắc hàng hóa nông sản ở cửa khẩu.

"Hai vị Bộ trưởng đã trả lời trúng các vấn đề, nhưng một số giải pháp đưa ra, chưa thực sự rõ nét", đại biểu Hoà nhìn nhận.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm.

Đồng thời, đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, từ đó nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 Bộ trưởng: Công thương; Tài nguyên và môi trường, đã có 64 đại biểu đăng ký chất vấn (35 đại biểu đối với lĩnh vực công thương, 31 đại biểu đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường), trong đó có 48 đại biểu tham gia chất vấn, có 10 đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn vấn đề mà đại biểu quân tâm.

Đối với các đại biểu Quốc hội hỏi nhưng chưa được trả lời hoặc nhiều đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian nên chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục gửi câu hỏi đến các thành viên chính phủ để được trả lời bằng văn bản.

Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình, tiếp thu đầy đủ những ý kiến của đại biểu Quốc hội; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các Bộ trưởng Bộ: Tài chính, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp… đã tham gia giải trình, làm rõ thêm đối với những nội dung có liên quan.

Đối với lĩnh vực Công thương nội dung chất vấn chủ yếu tập trung vào vấn đề về sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; về các giải pháp lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Đối với ngành Tài nguyên và Môi trường, nội dung chủ yếu tập trung công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng về đất đai, công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo đến lĩnh vực, việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp, giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.