Hồ sơ tài liệu

Philippines: Không đàm phán song phương về Biển Đông đến khi Toà phán quyết

11/06/2016, 11:23

Philippines tuyên bố: “Không đàm phán song phương” trước khi Toà Trọng tài ra phán quyết.

Trung Quốc ngọt nhạt với Philippines trước thềm Tò

Trung Quốc ngọt nhạt với Philippines trước thềm Tòa trọng tài ra phán quyết.

Ngày 10/6, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mới của Philippines Perfecto Yasay cho biết, Philippines sẽ không đàm phán song phương với Trung Quốc chừng nào Toà trọng tài quốc tế (PCA) chưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

“Chúng tôi sẽ không đàm phán song phương ở thời điểm này, cho đến khi chúng tôi nghe được hoặc đợi đến khi Toà trọng tài Quốc tế ra phán quyết chính thức” – ông Yasay nói.

Đây được coi là lời hồi đáp từ phía Philippines cho lời kêu gọi mới đây từ Trung Quốc yêu cầu đàm phán song phương. Thông báo kêu gọi được đăng tải toàn văn trên Tân Hoa Xã, vừa có những lời lẽ "ngọt nhạt" ca ngợi thành tựu quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc - Philippines, vừa chỉ trích, tố cáo Philippines trong tranh chấp trên Biển Đông.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu ra 4 điểm: Trung Quốc và Philippines đã xây dựng cam kết và thỏa thuận chung về việc giải quyết các tranh chấp liên quan trên Biển Đông thông qua đàm phán; Hai nước chưa bao giờ thực hiện bất cứ cuộc đàm phán nào về việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế; Trung Quốc tố Philippines đơn phương kiện cáo đi ngược lại thỏa thuận về việc giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán đồng thời vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS); Trung Quốc một lần nữa khẳng định nước này "tuân thủ quan điểm giải quyết các tranh chấp liên quan với Philippines trên Biển Đông thông qua đàm phán".

Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế với chủ đề “An ninh và Phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu”, được tổ chức ở Việt Nam, Tiến sĩ Raul C. Pangalangan, Thẩm phán Toà án Hình sự quốc tế tại The Hague, Hà Lan cho biết tỉ lệ sử dụng toà án công lý và trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Châu Á là thấp so với các khu vực khác. Bên cạnh các rào cản văn hoá và lịch sử, trở ngại thực sự với các quốc gia châu Á chính là sự thiếu tin tưởng và thiếu cam kết với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế của các cơ quan, bộ ngành, các nhà hoạch định chính sách trong nội bộ các nước. Những cơ quan này thường cho rằng các tiến trình pháp lý quốc tế có khả năng bị chính trị hoá, bị thao túng. Do đó, Thẩm phán Pangalangan cho rằng cần có trao đổi thông tin, đối thoại thường xuyên giữa các đại biểu quốc hội, bộ trưởng tư pháp với các bộ ngành khác nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng và tính hữu hiệu của các toà án quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế. Để sử dụng toà án quốc tế hiệu quả, các quốc gia cần chú trọng đào tạo, tăng cường năng lực của các luật sư trong nước để sử dụng trong các phân xử quốc tế. Trên thực tế, sử dụng toà án không phải lúc nào cũng là “lựa chọn hoàn hảo” nhưng đó là giải pháp hoà bình và công bằng. Từ khía cạnh pháp luật, vấn đề không phải là “ai thắng, ai thua” mà là tiến trình khách quan để tiến tới phán quyết công bằng và hợp lý.

Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc dẫn dắt và giải quyết các tranh chấp trong khu vực, Giáo sư Erik Franck, Thành viên Toà trọng tài, Trưởng khoa Luật pháp Châu Âu và quốc tế, Đại học Tự do Bỉ cho rằng, ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình của Liên minh Châu Âu (EU), trở thành một chủ thể của quan hệ quốc tế, một thành viên của UNCLOS. Theo hướng phát triển này, ASEAN sẽ hội nhập sâu hơn về luật pháp và sử dụng luật pháp là công cụ để thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp.

Hội thảo Hội thảo Quốc tế với chủ đề “An ninh và Phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” được tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh trong hai ngày (9-10/6) với sự tham gia của hàng trăm học giả, quan chức ngoại giao…  với 20 tham luận và trên 250 ý kiến thảo luận sôi nổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.