Điện ảnh

Phim "Băng vũ hỏa" của Vương Nhất Bác cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp

16/08/2022, 20:22

Phim “Băng vũ hỏa” của Trần Hiểu và Vương Nhất Bác gây tranh cãi vì có bản đồ chứa "đường lưỡi bò" phi pháp.

Bộ phim "Băng vũ hỏa" (Being a hero) với sự tham gia của Trần Hiểu và Vương Nhất Bác đang đối diện làn sóng tranh cãi của khán giả Việt khi cài cắm hình ảnh bản đồ chứa "đường lưỡi bò" phi pháp.

img

Hình ảnh bản đồ chứa đường 9 đoạn trong "Băng vũ hỏa"

Cụ thể, trên Youko - nền tảng trực tuyến của Trung Quốc, hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện tại phút 19-20 tập đầu, phút thứ 18 - 20 và 28 - 29 của tập thứ 2. Đặc biệt, đội ngũ làm phim đã cố ý chọn góc quay để các cảnh phim hiện rõ phần đảo Hải Nam và đường lưỡi bò phi pháp.

Phim được mua bản quyền phát sóng và đang chiếu trên nền tảng thu phí VieON và phát sóng từ ngày 11/8. VieON đã xử lý làm mờ toàn bộ phông nền có bản đồ in "đường lưỡi bò" trong phim trước khi phát sóng trên nền tảng của mình.

Song, khi chiếu ở nhiều trang mạng khác, kể cả kênh YouTube… thì "đường lưỡi bò" phi pháp vẫn công khai hiển hiện.

img

Phông bản đồ được xóa khi chiếu trên nền tảng VieON

Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến chiều 16/8, trên trang web chính thức của nhà phát hành phim VieON bộ phim "Băng vũ hỏa" đã được gỡ xuống.

Đây không phải là lần đầu tiên VieON phát hành phim Trung Quốc có cài cắm hình ảnh bản đồ chứa "đường lưỡi bò" phi pháp.

Trước đó, nền tảng này cũng từng chiếu các phim như: "Em là thành trì doanh lũy của anh", "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta"...

Ngay sau khi khán giả phát hiện, đơn vị này đã cắt bỏ những cảnh quay có hình ảnh gây tranh cãi. Song, nhiều khán giả hoài nghi về công tác kiểm duyệt, phát hành phim của đơn vị này.

img

Hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò phi pháp" trong tập 9 "Em là niềm kiêu hãnh của anh"

Đường “lưỡi bò”, “chữ U” hay “đứt đoạn”... đều là cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn).

Đường lưỡi bò này đã bị Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) bác bỏ trong phán quyết năm 2016.

img

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đối với Biển Đông

Báo Tuổi trẻ từng dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982.

Theo đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.