Điện ảnh

Phim ca nhạc Việt đi về đâu?

06/07/2017, 07:46

Một thể loại mà nhiều năm qua điện ảnh Việt chẳng mấy khi chạm tới mà thành công.

19

Dàn diễn viên tham gia phim “Bếp hát”

Một loại phim đặc biệt

Phim ca nhạc là thể loại có mặt lâu đời trong lịch sử của nghệ thuật thứ 7 và dù không phổ biến như các thể loại khác, song ở thời kì nào phim ca nhạc cũng có những đại diện xuất sắc. Bước qua kỉ nguyên phim câm có tác phẩm kinh điển The Wizard of Oz (1939), vào những năm 50-60 có Singin’ in the rain, The Sound of music. Thời hiện đại có Moulin Rogue (2001), Mamma mia (2008), Les misérable (2012), La La Land (2017). Trên truyền hình, không thể không nhắc tới Glee. Hiện tượng này bùng nổ từ năm 2009, thổi một luồng gió mới lên màn ảnh nhỏ trong và ngoài nước Mỹ. Bằng việc tái sử dụng hợp lý các bài hát nổi tiếng có sẵn cùng dàn diễn viên đầy đặn về cả diễn xuất, ngoại hình và khả năng âm nhạc, Glee đạt thành công rực rỡ: Trung bình 8 triệu lượt xem mỗi mùa phát sóng, nhiều giải thưởng danh giá như: Emmy, Quả Cầu vàng, Statellite…

Dĩ nhiên, phim sở hữu một lượng người hâm mộ không nhỏ tại Việt Nam. Ngày 27/6, phiên bản Glee Việt hóa được công bố chính thức. Thế nhưng, trái với kỳ vọng ban đầu, phim nhận hoài nghi về năng lực của dàn diễn viên, chất lượng ca từ. Một khởi đầu không mấy hay ho, dù phản ánh đúng thực trạng của phim âm nhạc Việt Nam: mù mờ, đầy những ẩn số.

Lịch sử trống hoác của phim âm nhạc Việt

Tại Việt Nam, từ năm 2000, ca sĩ Đan Trường đã lăng xê kiểu làm MV có cả hát lẫn diễn xuất. Theo đó, trào lưu phim ca nhạc thị trường nở rộ, trở thành một thứ văn hóa phổ biến đặc biệt ở miền Tây với những cái tên như: Lâm Chấn Khang, Du Thiên, Hồ Việt Trung…

Vấn đề là, một bộ phim ca nhạc đích thực phải có sự tương tác đồng đều bằng âm nhạc giữa các nhân vật, và các bài hát phải đa dạng, không bị bó buộc trong một chủ đề chung. Theo đó, các sản phẩm phim ca nhạc thị trường khác biệt quá xa với khái niệm trên. Trước hết, chúng chưa thoát ra khỏi tầm vóc một MV, khi chỉ là màn hát độc diễn của ca sĩ từ đầu đến cuối, theo kiểu «bìa đĩa có bài nào anh xử lý hết». Bên cạnh đó, đề tài vẫn quẩn quanh những ca từ hoặc sướt mướt yêu đương, hoặc hằn học tiền nong, khá hơn chút là xã hội đen như Hết tình hết tiền (Lâm Chấn Huy), Lừa dối, Không để em khổ đau (Du Thiên), Luật nhân quả, Sóng gió nhân tâm (Lâm Chấn Khang).

Do đó, có thể gạt phăng những sản phẩm thị trường nọ ra khỏi thống kê phim ca nhạc đích thực. Nhưng nếu làm vậy, lịch sử phim âm nhạc Việt Nam lại gần như trống hoác. Rất khó khăn mới kể được một đại diện thành công: Những nụ hôn rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Phim tạo nét chấm phá trong hè 2010, thu về 20 tỉ đồng ngoài phòng vé, lăng xê thành công các ca khúc như: Ai cũng có thể, Vì ta cần nhau… Những tưởng, Những nụ hôn rực rỡ đã khai phá một mảnh đất mới tiềm năng cho điện ảnh Việt. Song, sau đó lại là một khoảng trống dài mãi tới năm 2014 mới được phim Bếp hát lấp đầy. Trớ trêu thay, bộ phim chuyển thể từ bản gốc Singapore này thất bại thảm hại với sự chê bai tột độ về năng lực diễn xuất và kịch bản gượng gạo, âm nhạc nhạt nhòa.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Phim kinh dị quan trọng ở kỹ thuật, câu chuyện, diễn viên không cần là ngôi sao. Phim ca nhạc ngược lại, phải có sao và… nhiều thứ khác. Hơn nữa, phim ca nhạc cần đầu tư lớn, ê-kíp sản xuất phải tập trung trong thời gian dài. Nhìn qua nhìn lại tính khả thi, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thị trường dĩ nhiên họ sẽ chọn cái gì an toàn hơn”.

Glee Việt sẽ đi về đâu

Do có tiền lệ là phim Bếp hát, Glee Việt hóa hiển nhiên bị ném đá chỉ từ khâu công bố diễn viên. Khán giả không có cơ sở để tin tưởng một bản chuyển thể thành công, khi đứng ở góc độ một nền điện ảnh mà phim âm nhạc vừa thiếu, vừa yếu.

Một lộ trình tương tự phim Bếp hát đã thấp thoáng ở Glee Việt: dàn diễn viên ngoại hình đẹp, nổi tiếng, nhưng kỹ năng thì còn là dấu hỏi lớn. Bếp hát có những cái tên hot như: Lam Trường, Tú Vi, Trà My Idol… Nhưng người biết hát thì không biết diễn và ngược lại, có người thì tệ cả hai. Tình trạng này đang lặp lại ở Glee, với Angela Phương Trinh là diễn viên đá chéo sân, Cindy là ca sĩ chưa một lần đóng phim, Hữu Vi xuất thân từ người mẫu.

Bên cạnh đó, phim Glee gốc có nội dung phản ánh xã hội hết sức gay gắt: Phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính, bạo lực học đường, giàu nghèo, khát vọng nghệ thuật… Chúng dễ dàng có các ca khúc phù hợp để thể hiện như: Don’t stop Believe, If I were a boy… Ở Việt Nam, các mảng đề tài này quá cằn cỗi. Bản thân nhạc sĩ Huy Tuấn, giám đốc âm nhạc của dự án này cũng phải thừa nhận: “Các bài hát tiếng anh phong phú về thể loại. Hầu như diễn biến tâm lý nào họ cũng có bài hát nổi tiếng để mang ra sử dụng. Ngược lại, nhạc Việt hầu như chỉ về tình yêu, còn về trạng thái tâm lý khác thì rất ít”.

Song, nhạc sĩ Huy Tuấn vẫn tự tin cho rằng: “Chúng tôi quyết định sử dụng toàn bộ các ca khúc Việt Nam. Tôi nghĩ là vốn bài hát hiện giờ đủ để chúng tôi làm tất cả bằng nhạc Việt”. Về các điểm chênh lệch nội dung, nhạc sĩ cho biết: “Ở phân cảnh nào có sự khó khăn khi truyền tải bài hát vào thì chúng tôi sẽ sáng tác mới. Còn hầu như 90% chúng tôi sẽ sử dụng các bài hát phổ biến trên thị trường”. Thậm chí, ê-kíp còn chia sẻ có thể sẽ sửa nội dung các bài hát có sẵn (với sự cho phép của tác giả) để phù hợp.

Chưa bao giờ có một dự án nào quy tụ lực lượng hùng hậu đến vậy, với nhạc sĩ Huy Tuấn làm giám đốc, đi cùng là Nguyễn Hải Phong, Dương Khắc Linh, Châu Đăng Khoa, Touliver… Dốc cạn gần như mọi gương mặt sừng sỏ của giới làm nhạc Việt vào cuộc chơi, dường như nhà sản xuất cũng ý thức được rất rõ: Làm phim âm nhạc ở Việt Nam không phải chuyện đùa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.