Điện ảnh

Phim châu Á lần thứ hai 2 liên tiếp giành giải Cành cọ vàng

28/05/2019, 13:38

Bộ phim Hàn Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn nổi tiếng Bong Joon Ho vừa giành giải thưởng cao nhất giải Cành cọ vàngtại LHP Cannes 2019.

img
Đạo diễn Bong Joon Ho

Đây là lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc thắng giải, là năm thứ hai liên tiếp châu Á giành giải Cành cọ vàng và là lần thứ 9 điện ảnh châu Á được tôn vinh ở hạng mục giải thưởng cao nhất trong lịch sử 72 năm của LHP quốc tế thường niên danh giá nhất thế giới. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia châu Á có nhiều phim giành giải Cành cọ vàng nhất với 4 tác phẩm.

Thực tế, Ký sinh trùng là bộ phim không quá chú trọng vào kỹ xảo, bối cảnh hoành tráng hay khai thác đề tài “sốc, sex, sến”... Bong Joon Ho lựa chọn kể một câu chuyện dung dị, bình thường. Một gia đình luôn sống trong cảnh nghèo túng tình cờ gặp gỡ và quen biết một gia đình giàu có sau một biến cố. Những thật - giả đan xen, từ việc nói dối thân phận dần lật mở.

Mô tả về bộ phim, đạo diễn Bong Joon Ho chia sẻ: “Ký sinh trùng chứa đựng tiếng cười, nỗi buồn và cả bi kịch của xã hội loài người”. Còn tờ Hollywood Reporter bình luận: “Đạo diễn tiêu biểu của Hàn Quốc Bong Joon Ho đã trở lại Cannes với một bộ phim bi hài kịch gia đình, nơi mà con người còn đáng sợ hơn quỷ dữ”.

Tại LHP Cannes năm nay, giấc mơ đang đến gần với điện ảnh Việt khi bộ phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (Stay awake, be ready) của đạo diễn Phạm Thiên Ân vượt qua 9 đối thủ nặng ký khác để được vinh danh ở giải Illy dành cho Phim ngắn xuất sắc nhất trong “Tuần lễ đạo diễn” - một nhánh của LHP Cannes. Tờ Le Polyester (Pháp) ca ngợi bộ phim vừa bình dị vừa ngoạn mục, câu chuyện tuy gói gọn ở một góc phố nhưng đã mở ra cả một thế giới.

Sau nhiều năm bị “Hollywood hoá”, LHP Cannes dường như bắt đầu quan tâm hơn tới sự vươn mình của điện ảnh châu Á. Ngay như đạo diễn Mỹ trở thành “gương mặt thân quen” của Cannes như Quentin Tarantino… năm nay cũng ra về tay trắng với bộ phim Once upon a time in Hollywood. So với Cannes 2018, năm nay, giải thưởng không có nhiều đại diện châu Á tham dự ở các hạng mục. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chất lượng của các tác phẩm sụt giảm.

Bằng chứng là một số phim ghi nhận sự đánh giá tích cực của giới chuyên môn như hai bộ phim Summer of Changsha của Zu Feng (Trung Quốc) và Nina Wu của Midi Z (Trung Quốc) góp mặt trong hạng mục Phim có góc nhìn đặc biệt; First love của Takashi Miike (Nhật Bản) và To live to sing của Johnny Ma (Trung Quốc) được chọn chiếu ở hạng mục không tranh giải là Directors’ Fortnight… Thực tế này góp phần bảo chứng niềm tin cho khán giả về điện ảnh châu Á cũng như rút ngắn khoảng cách giữa điện ảnh khu vực và thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.