Văn hóa - Giải Trí

Phim chiếu mạng, truyền hình “lên ngôi” thời dịch Corona

13/02/2020, 06:22

Lượng khán giả phim truyền hình, phim chiếu mạng tăng đáng kể trong thời điểm dịch bệnh Corona đang hoành hành.

img
Web drama “Bố già” của Trấn Thành tạo nên “cơn sốt” ngay khi vừa lên sóng

Trước tình hình bệnh dịch Corona có diễn biến phức tạp dịp đầu năm mới, nhà sản xuất chứng kiến số phận trái ngược giữa phim chiếu rạp và phim truyền hình, phim chiếu mạng.

Giải trí online tăng mạnh thời dịch bệnh

Theo thống kê, có khoảng 15 phim chiếu mạng ngắn tập lẫn dài tập được công chiếu trên Youtube trong dịp Tết năm nay như: “Bố già” (Trấn Thành), “Nhà trọ có quá trời phòng” (Nam Thư), “Hiếu bến tàu” (Hồ Quang Hiếu), “Về quê ăn Tết” (Việt Hương), “Thầy giáo Nam” (Lâm Chấn Khang), “Chuyến xe trốn Tết” (La La School), “Người đàn ông” (Phạm Trưởng)…


Dịch virus Corona (nCoV) bùng phát, các rạp chiếu phim tại Việt Nam rơi vào tình trạng vắng khán giả. Một số nền tảng video online, phim chiếu mạng (web drama) cố gắng cạnh tranh, đưa những tựa phim mới nhất lên dịch vụ của mình. Số lượng lượt xem tăng đáng kể trong lúc dịch Corona lên đỉnh điểm, tức dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.

Trong đó, phim “Bố già” do Trấn Thành đầu tư sản xuất với kinh phí 4 tỷ đồng, Mr. Tô là đạo diễn bộ phim có lượt xem đột biến. Tính đến hiện tại, 5 tập phim lần lượt có số lượt xem đáng kinh ngạc là 28 triệu lượt, 22 triệu lượt, 18 triệu lượt, 20 triệu lượt và 16 triệu lượt. Trong đó, tập 1 phát hôm 2/1 ngay lập tức vào top thịnh hành trên Youtube sau hơn 3 giờ chiếu, sau đó đứng số 1 top thịnh hành trên Youtube. Tập 2 chưa đến 20 giờ chiếu đã có hơn 5 triệu lượt xem. Tập 5 cũng nhanh chóng “xưng vương” trong top những video thịnh hành trên Youtube.

Cũng do Mr. Tô đạo diễn, “Hiếu bến tàu” (Hồ Quang Hiếu) phản ánh đời sống giang hồ, băng đảng. Phim ra mắt từ ngày 1/11/2019 đến ngày 21/1/2020, gồm 8 tập, mỗi tập đều hút từ 3 - 6 triệu lượt xem, nhưng chỉ dừng chân ở top 6 video thịnh hành trên Youtube. Tuy nhiên, nội dung của phim không có gì đột phá, mô-típ khá giống với nhiều phim chiếu mạng về giang hồ ra đời trước đó.

Lâm Chấn Khang - cái tên từng có sản phẩm lọt top 10 video nổi bật trên thế giới năm 2018 cũng có phim chiếu mạng lọt top video tịnh hành trên Youtube là “Thầy giáo Nam”. Phim có đề tài học đường và hướng đến đối tượng khán giả bình dân. Sau 4 tuần lên sóng, 6 tập phim đều giữ mức trung bình hơn 3 triệu lượt xem/tập. Cùng với nội dung hài hước, dễ hiểu, “Thầy giáo Nam” ra mắt đúng thời điểm điện ảnh Việt đang “khát” phim giữa thời điểm dịch bệnh do virus Corona nên được nhiều khán giả đón nhận. Dù thực tế, chất lượng phim còn khá kém so với mặt bằng chung.

Nhìn sang làng giải trí Trung Quốc, để vượt khó trong tình thế dịch bệnh Corona bùng phát, nhiều bộ phim điện ảnh đã chuyển sang phát hành online. Một số phim như “Lạc lối ở Nga” của Từ Tranh và “Enter the Fat Dragon” của Chân Tử Đan hủy lịch chiếu rạp và phát hành trực tuyến.

Đánh giá về thực trạng này, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước cho rằng: “Nếu thoạt nhìn trên bình diện bề mặt về hiện tượng người xem đột biến tăng cao thì sẽ nghĩ đây là cơ hội ăn may của loại hình này tại thị trường Việt Nam trong mùa dịch bệnh. Nhưng, nhìn vào nền tảng hệ thống cung ứng trong và ngoài nước nhiều năm qua, rõ ràng đây chính là khuynh hướng của tương lai gần. Giới làm phim tại Việt Nam buộc phải tìm hiểu để không bị rớt lại bên lề của thời đại công nghệ số hóa nghệ thuật điện ảnh, cũng là dịp nhìn nhận lại nhiều vấn đề liên quan ngành công nghiệp điện ảnh Việt hiện tại”.

Truyền hình gấp rút “tung chiêu”?

img
Phim “Cô gái nhà người ta” tăng số tập phát sóng từ 2 lên 3 tập/tuần

Ở làng giải trí Trung Quốc, phim điện ảnh và phim truyền hình trong bối cảnh đại dịch viêm phổi cấp bùng phát cũng có số phận trái ngược. Theo thống kê, tại Trung Quốc, phim truyền hình và các tác phẩm chiếu mạng thu về kết quả ấn tượng dù trước đó bị coi là “đứa con ghẻ”.

Trong bảng rating được công bố ngày 31/1, “Trạm kế tiếp là hạnh phúc” dẫn đầu các bộ phim lên sóng đầu năm 2020 với hơn 2.031% lượng người xem (thông thường chỉ số 1.6% đã được cho là rất cao).

Theo sau đó là tác phẩm “Thế giới mới” của Tôn Hồng Lôi và Trương Lỗ Nhất với 2.053% trên đài Đông Phương và 1.825% trên đài Bắc Kinh. Xếp thứ 3 là bộ phim “Còn yêu chưa đủ” của Hàn Canh và Vương Hiểu Thần với 1.808% đài Giang Tô và 1.324% người xem trên đài Chiết Giang.

Không những thế, “Trạm kế tiếp là hạnh phúc” còn chinh phục các khán giả khó tính và được đánh giá với 8,1 điểm trên Douban. Đây là một mức điểm mà nhiều bộ phim truyền hình, phim chiếu mạng cũng như phim điện ảnh ao ước. Nhiều khán giả cho rằng vì giữa tâm điểm mùa dịch nên các bộ phim tưởng kém nổi lại có mức rating cao.

Tại Việt Nam, phim trên VTV3 sẽ lên sóng vào 21h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu, thay vì từ thứ Hai đến thứ Năm. Việc tăng lịch phát sóng phim giờ vàng của VTV giúp khán giả có thêm lựa chọn giải trí. Theo lịch phát sóng mới, “Cô gái nhà người ta” tăng số tập lên 3 tập/tuần (thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu). Trong khi đó, “Tiệm ăn dì ghẻ” lên sóng 2 tập/tuần (thứ Hai và thứ Ba).

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) cho biết, lượng khán giả phim truyền hình tăng đáng kể trong thời điểm dịch bệnh Corona đang hoành hành. Đây cũng là một trong những lý do đơn vị tăng lịch phát sóng phim giờ vàng, giúp khán giả có thêm một sự lựa chọn giải trí. “Cùng với đó, Đài cũng dựa trên chất lượng nội dung phim và khảo sát đánh giá khách quan từ khán giả để đi đến quyết định này. Thực tế đã chứng minh, phim truyền hình của VTV những năm gần đây đã trở thành một món ăn tinh thần được đông đảo công chúng mong chờ”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói thêm.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long cho biết, lượng rating phim truyền hình trong thời gian dịch Corona cũng tăng. Song, nhà Đài không thay đổi kế hoạch phát sóng phim Việt giờ vàng. Thay vào đó, Đài chỉ tập trung phát triển nội dung phù hợp với thị hiếu của khán giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.