Showbiz

Phim chiếu rạp, trái đắng của Chánh Tín

07/04/2016, 08:43

Diễn viên Chánh Tín đã lâm vào cảnh nợ nần, bị kiện tụng vì khoản nợ hơn 10 tỷ đồng.

 

20140503100304-chanh

Diễn viên Chánh Tín

Diễn viên Chánh Tín đã lâm vào cảnh nợ nần, bị kiện tụng vì khoản nợ hơn 10 tỷ đồng do ông đứng ra bảo lãnh vay ngân hàng, đầu tư vào phim Dòng máu anh hùng từ hơn 10 năm trước. Ông đã tiết lộ sự thực đằng sau những con số đầu tư cũng như doanh thu khủng của hiệu ứng bong bóng phim Việt này.

Hết dám làm phim rồi!

Nhìn thấy ông chuyển qua kinh doanh quán nhậu, nhiều người nghĩ rằng ông đã chán phim ảnh. Thực hư chuyện này thế nào, thưa ông?

Từ khi xảy ra nợ nần, tôi đã ngưng sản xuất phim ảnh, không còn tham gia vào thị trường phát hành phim. Còn đóng phim, ai mời thì tôi đóng. Nói chung cuộc sống mới rất tốt. Tôi may mắn khi được ngân hàng hỗ trợ mượn được một căn hộ 116 m2. Đối với hai vợ chồng và một đứa con thì rất thoáng và tốt. Nó hơi xa một chút nhưng rất tiêu chuẩn, tôi cảm thấy an lòng.

Kinh doanh phim ảnh theo ông dễ “chết” không?

Phim ảnh là một thị trường khó “ăn” (cười). Tôi là người nhiều kinh nghiệm mà giờ đây hết dám làm phim rồi, chưa kể bị ăn cắp bản quyền. Làm kinh doanh điện ảnh hết sức rủi ro. Tôi là người trong điện ảnh nhưng để nói xấu về ngành nghề là không có. Giữa kinh doanh và làm nghệ thuật nó khác nhau xa lắm.

Doanh thu phim điện ảnh toàn con số lên đến cả chục tỷ đồng, mọi người vẫn khẳng định phim có lời. Sự thực có phải vậy, thưa ông?

Tôi không hiểu làm sao có sự thổi phồng lên như vậy. Tôi thử đưa ra một bài toán này. Cả nước Việt Nam cộng lại khoảng 100 cụm rạp cả Nhà nước và tư nhân. Mỗi một cụm rạp tư nhân sức chứa mỗi phòng 200-300 người.

Nhà phát hành phim lên tiếng

Khi được hỏi về doanh thu phim, cách tính doanh thu phim như thế nào, đại diện truyền thông hãng phát hành phim CGV cho biết: “Thông thường thông tin về doanh thu sẽ không được công bố rộng rãi, tùy từng phim mới công bố.

Bên cạnh đó, cách tính doanh thu cũng không được công khai”.

Rạp quốc doanh có khoảng lớn hơn 500-600 người. Giá vé của rạp quốc doanh trung bình 50.000 - 60.000 nghìn đồng/vé. Tư nhân trung bình từ 80.000 - 100.000 nghìn đồng/ vé. Lấy khoảng 100 rạp nhân lên với trung bình 200 chỗ ngồi cùng giá vé thì sẽ biết là bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ mọi người cũng sẽ thấy thực tế như thế nào so với con số các nhà phát hành công bố.

Ngoài ra, nhà sản xuất bỏ tiền làm phim, doanh thu phim còn phải chia đôi cho rạp. Có những bộ phim chia 50% - 50%, thậm chí cũng có thể chia 40% - 60%, tức là NSX 40% doanh thu, nhà phát hành 60%. Ngoài ra, còn phải lệ thuộc vào rạp, rạp chiếu hay không, không chiếu thì sạt nghiệp. Làm phim, người ta nói thu bao nhiêu, lời bao nhiêu là chuyện của họ, khán giả không biết nhưng người trong nghề thì cười ngay. Lấy cái gì mà lãi nhiều? Ảo trong đó phần nửa. (cười)

Giờ phải gọi là những bộ phim kiếm tiền

Mới đây, trong một báo cáo của Bộ VH,TT&DL cho biết, năm 2015 doanh số phim Việt Nam đạt 700 tỷ đồng. Ông nghĩ sao về con số này?

Có thể có nhưng điều đó chưa chắc. Khi nào Việt Nam có khoảng 500 rạp trên toàn quốc thì mới có thể nói được. Làm một bộ phim chiếu tại Việt Nam trong vòng 10 tỷ đồng đã khó lấy vốn rồi. Nếu doanh thu được 20 tỷ đồng thì mới huề vốn. Nhưng chính tôi muốn làm phim lời 3-5 tỷ đồng rất khó khăn, trầy da tróc vẩy. Làm để kiếm sống, yêu nghề thì được. Bỏ ra con tép bắt con tôm thì không có, toàn ảo hết.

Dưới góc nhìn của ông, tình trạng bong bóng phim điện ảnh Việt sẽ có tác động tiêu cực gì đến nền điện ảnh nước nhà?

Con số ảo là một chuyện, quan trọng là thành quả của bộ phim. PR nhiều, khán giả đến xem, người ta bị lừa hoài, rồi 1, 2 năm sau người ta sẽ không xem nữa. Khán giả bỏ tiền ra xem nhưng toàn PR kiểu “đầu voi đuôi chuột”, không có chiều sâu của phim thì khi ra khỏi rạp khán giả sẽ chẳng nhớ gì. Như vậy, điện ảnh sẽ trở thành một thứ mì ăn liền giống hai chục năm trước, quảng cáo rầm rộ, dựa vào tên tuổi 1, 2 người rồi cứ thế bán vé. Chúng ta nên định nghĩa những bộ phim “đầu voi đuôi chuột” ấy là gì?

Tôi không dùng chữ tác phẩm, mà dùng là những bộ phim kiếm tiền thì đúng hơn. Nghệ thuật không phải những bộ phim đó. Và khi nói không phải là nghệ thuật thì nó không phải là tác phẩm.

Cảm ơn ông!                    

Năm 2005, NSƯT Nguyễn Chánh Tín đã vay nợ Ngân hàng TMCP Phương Nam số tiền là 8,3 tỷ đồng (thời hạn từ 9/7/2008 đến 9/7/2011) để cùng gia đình thực hiện bộ phim Dòng máu anh hùng với kinh phí 1,5 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng).

Sau khi công chiếu, vì bị sao chép trái phép nhiều nên bộ phim không thu hồi đủ vốn, doanh thu ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Sự thất bại về mặt doanh thu của bộ phim cộng thêm những khó khăn khác trong kinh doanh khiến khoản nợ được tích lũy lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Do không có điều kiện trả nợ, gia đình ông phải bán căn biệt thự của mình cho ngân hàng. Việc giao nhà được thực hiện hồi tháng 9/2014. Ngân hàng đã hỗ trợ gia đình nghệ sĩ một khoản tiền để ông đi thuê căn hộ khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.