Điện ảnh

Phim của Kim Lý được Hollywood "remake": Thời cơ tốt cho điện ảnh Việt?

13/11/2020, 09:30

Một kịch bản phim Việt được "ông lớn" của Hollywood để ý cho thấy thị trường điện ảnh Việt đang có tiềm năng.

img
Vệ sĩ Sài Gòn được hãng Universal mua kịch bản để làm lại đã gây xôn xao

Thông tin bộ phim “Vệ sĩ Sài Gòn” được hãng Universal mua để làm lại trở thành một sự kiện được quan tâm. Thương vụ làm lại phim này càng gây chú ý hơn khi hai nam diễn viên chính của phiên bản Hollywood dự kiến là hai tài tử nổi tiếng quốc tế là Chris Pratt và Ngô Kinh (phiên bản Việt là Kim Lý và Thái Hòa).

“Vệ sĩ Sài Gòn” được công chiếu vào năm 2016, do đạo diễn người Nhật Ken Ochiai thực hiện. Bộ phim được coi là một “bom tấn” của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh vì được đầu tư lớn nhưng trên thực tế vẫn gây tranh cãi về chất lượng. Kịch bản phim bị chê non tay, thiếu logic và diễn xuất của một số diễn viên còn chưa thuyết phục.

Dẫu vậy, việc bộ phim được Universal chọn mua lại cho thấy phim đáp ứng được những yếu tố nhất định. Theo lời Kim Lý – đồng sản xuất kiêm diễn viên chính của phim, nhà làm phim quốc tế đánh giá cao cốt truyện phim. Dễ thấy, bộ phim quy tụ hai yếu tố đặc trưng của phim Hollywood là hành động và hài hước. Chưa kể, nội dung phim cũng là mô típ khá quen thuộc với dòng phim điện ảnh của Mỹ: những thương vụ bắt cóc và tổ chức xã hội đen. Hai đạo diễn được lựa chọn thực hiện bộ phim remake này là anh em nhà Russo (Anthony Russo và Joseph Russo).

img
Chris Pratt và Ngô Kinh được dự kiến sẽ tham gia dự án phim remake của Hollywood

Đây được coi là một “tia sáng” sau nhiều năm điện ảnh nước nhà nỗ lực phát triển. Trước “Vệ sĩ Sài Gòn”, chỉ có bộ phim “Cô hầu gái” từng được biên kịch Geoffrey Fletcher công bố chọn để chấp bút cho dự án chuyển thể sang phiên bản Mỹ vào năm 2018.

Khi đó, đạo diễn Derek Nguyễn cho biết từ khi viết kịch bản, anh đã thấy sự tương đồng trong cốt truyện, giữa cuộc sống của những người Việt bị đàn áp dưới thời Pháp thuộc với số phận của của những người Nam Mỹ làm nô lệ ở miền Nam nước Mỹ thời xưa. Dù vậy, 2 năm qua, chưa có thông tin gì thêm về dự án này.

img
"Cô hầu gái" cũng từng được thông báo sẽ được Mỹ làm lại

Số tiền bán bản quyền phim đều được các nhà sản xuất giữ bí mật vì là bảo mật hợp đồng. Dù vậy, việc điện ảnh Việt được các đối tác nước ngoài "nhòm ngó" đến không chỉ làm “nở mày nở mặt” cho bản thân nhà sản xuất, mà còn là cơ hội để điện ảnh Việt tạo được dấu ấn dù nhỏ nhoi trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Trên thực tế, phim remake đang là dòng phim được các nhà làm phim ở Hollywood phát triển trong tình trạng cạn nguồn ý tưởng. Có những bản phim tạo được tiếng vang nhưng không phải tất cả. Hiện tại, còn quá sớm để nói lên điều gì, rằng những bộ phim Việt được Mỹ remake có thành công hay không.

Thế nhưng, ta cũng thấy rõ thời cơ cho điện ảnh Việt phát triển hơn đang ngày càng rộng mở. Quan trọng là những người làm phim cho ra đời những tác phẩm hay, đáp ứng không chỉ thị hiếu của công chúng Việt mà còn phù hợp với “khẩu vị” của khán giả ngoài biên giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.