Điện ảnh

Phim hay phải chờ cái kết!

05/02/2020, 06:16

Dù chỉ là phim web được chiếu miễn phí trên YouTube nhưng “Bố già” của Trấn Thành cũng nhận được nhiều lời khen ngợi.

img
Một cảnh trong phim “Bố già” của Trấn Thành

Phim “Bố già” thu hút người xem bởi sự đầu tư chỉn chu về hình ảnh, bối cảnh và kịch bản phim tới diễn xuất của các diễn viên. Tập cuối của phim ra mắt trong gần 2 ngày đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem, lọt top 1 thịnh hành. 4 tập phim trước cũng mang về hàng chục triệu lượt xem, con số đáng ngưỡng mộ với một bộ phim web trong bối cảnh hiện tại.

Cũng nhờ độ “hot”, nhiều trang thông tin liên tục có những bài phê bình từng tập của phim. Những bài review (bình luận), nội dung phim cũng được kể lại để phân tích. Chuyện sẽ chẳng có gì cho đến khi Trấn Thành bức xúc khi kết phim của mình được một tờ báo đăng tải, tiết lộ toàn bộ nội dung.

Đây là trường hợp hiếm hoi với một phim web mà nhân vật chính phẫn nộ vì kết phim của mình bị bài viết review tiết lộ. Còn đối với điện ảnh, có lẽ nhiều nhà sản xuất cũng không khỏi ức chế khi các bộ phim vừa ra rạp đã có nhiều bài nhận xét trên báo chí hoặc các trang mạng xã hội kể lại chi tiết nội dung phim. Trong khi với các phim bom tấn, khán giả Việt và quốc tế thường kêu gọi nhau không spoil (tiết lộ trước nội dung) phim thì dường như đối với phim Việt, điều này lại không mấy được để tâm.

Khi công chiếu “Avengers: Endgame”, câu chuyện spoil phim từng là một chủ đề nóng được đưa ra bàn luận. Trên các mạng xã hội như: Twitter, Facebook… cộng đồng mạng còn tạo ra những hastag kêu gọi không spoil bộ phim. Thế nhưng với phim Việt, chúng ta chưa thấy bất cứ sự “đồng thanh” nào như thế từ trước tới nay. Sau những buổi công chiếu của nhiều bộ phim Việt, khán giả không mấy khó khăn tìm những bài viết để biết phim như thế nào. Gần đây, có những bộ phim như “30 chưa phải là Tết”, “Đôi mắt âm dương”… vừa ra mắt, khán giả chỉ cần đọc các bài viết trên mạng đã đủ biết nội dung ra sao, kết phim thế nào.

Khác với việc livestream hay phát tán phim lậu, spoil phim lại chưa có chế tài cụ thể. Tuy nhiên, đây là một cách hưởng thụ nghệ thuật kém văn hóa, thiếu tôn trọng những người làm nghệ thuật. Bởi, điều đó khiến cho nhiều khán giả chưa đến rạp xem bị cảm giác hụt hẫng, mất đi tính bất ngờ của phim. Giải quyết điều này chỉ phụ thuộc chủ yếu vào ý thức và sự văn minh của những người xem phim và phê bình về phim.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.