Văn hóa - Giải Trí

Phim truyền hình cổ tích trở lại màn ảnh nhỏ sau hơn 10 năm

20/11/2018, 07:36

Cùng với những khó khăn của làng phim truyền hình nói chung, mảnh đất phim truyền hình dành cho thiếu nhi...

19

Một cảnh trong tập phim “Cậu bé thông minh”

Mới đây, dự án phim Rồng rắn lên mây khai thác những phim cổ tích, như một tín hiệu vui tươi cho khán giả tuổi thơ.

Sức hút của đề tài phim cổ tích là có thật

Nếu như ở lĩnh vực điện ảnh, đề tài cổ tích đang bắt đầu được nhiều nhà làm phim để ý tới thì ở mảng truyền hình, đề tài này cũng vừa được đầu tư và khai thác trong dự án mang tên Rồng rắn lên mây. Đây là loạt phim truyền hình phỏng dựng từ kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, dự kiến gồm 3 mùa phát sóng. Mùa 1 là 10 câu chuyện cổ tích quen thuộc gồm: Cậu bé thông minh, Của Thiên trả Địa, Sự tích hoa râm bụt, Sự tích hoa cúc chi, Sự tích cây vú sữa, Tam và Tứ, Sự tích ông Táo, Lọ nước thần, Hai cô gái và cục bướu, Cây tre trăm đốt. Mỗi câu chuyện được chia thành 2 tập, dài 45 phút và do đạo diễn Nguyễn Minh Chung - đạo diễn của hàng loạt bộ phim thiếu nhi vang danh một thời như: Kính vạn hoa, Gia đình vui nhộn… thực hiện.

Thực tế, đây là lần thứ hai đạo diễn Minh Chung làm phim cổ tích. Ông từng có một chùm phim cổ tích được phát sóng cách đây hơn 10 năm. Lần này, đạo diễn đã có những thay đổi trong các câu chuyện truyền tải để cuốn hút khán giả đương thời. Theo ông, kịch bản của phim đã được viết theo cấu trúc mới, vẫn dựa trên tinh thần câu chuyện nhưng thay đổi tình tiết, tình huống để cốt truyện thêm kịch tính. Ngoài ra, nếu trước đây, một câu chuyện làm chỉ có 20-30 phút thì hiện nay, thời gian đã tăng lên 45 phút nên các chuyện có thêm nhiều chi tiết sinh động hơn. Riêng về kỹ thuật, loạt phim mới được sản xuất với máy móc hiện đại, áp dụng biện pháp thu tiếng đồng bộ chứ không lồng tiếng như xưa.

Phục trang cho loạt phim cũng được đầu tư, may mới toàn bộ. Hơn 50 bộ trang phục được phỏng dựng theo lối phục trang thời nhà Nguyễn vào thế kỷ XVIII-XIX. Theo nhà làm phim, truyện cổ tích không có thời gian cụ thể mà chỉ mang tính dân tộc. Do đó các chi tiết nhà cửa, ăn mặc, phong tục tập quán trong phim chỉ cần gần gũi với dân tộc đó là được. Cũng vì không có mốc thời gian cụ thể và khó khăn trong quá trình tìm tư liệu lịch sử nên từ trang phục hay kiến trúc cung điện, đền đài, nhà cửa… đều lấy thời nhà Nguyễn.

Đã lên sóng được 6 tập, Rồng rắn lên mây phát sóng trên kênh HTV3 - DreamsTV đang tạo được sự chú ý. Theo kết quả đo lường hiệu suất xem từ Hệ thống Đo lường định lượng khán giả Việt Nam TAM, tập phim đầu tiên Cậu bé thông minh đã nhận được lượt theo dõi chủ yếu từ nhóm khán giả trẻ em 4-14, phụ nữ và gia đình. Đây là kết quả phản ánh khá rõ mức độ quan tâm của khán giả đối với loạt phim truyền hình dành cho thiếu nhi. Cùng đó, đoạn teaser cổ trang Việt của dự án ngay khi được ra mắt trên fanpage chính thức của kênh truyền hình này cũng sở hữu hơn 30.000 lượt xem với 210 lượt chia sẻ (share) sau 1 tuần ra mắt.

Trăn trở kinh phí làm phim cho trẻ nhỏ

Cũng như mọi nhà làm phim truyền hình khác, trăn trở lớn nhất vẫn là bài toán kinh phí. Đại diện nhà sản xuất Purpose Media từ chối tiết lộ kinh phí của dự án nhưng theo một nguồn tin, kinh phí cho mỗi tập phim dao động trên 200 triệu đồng. Đây không phải con số lớn nhưng cũng là mức kinh phí cao hơn mặt bằng chung đa số phim truyền hình hiện nay (khoảng 160-180 triệu đồng/tập). Đạo diễn Minh Chung bày tỏ, kinh phí cho phim có hạn nên ông hạn chế tối đa về kỹ xảo trong phim. Bối cảnh làm phim cũng được quay tại: Gò Công, Mộc Hóa, Định Quán, Thác Mai… những nơi ít có đoàn phim truyền hình nào từng đặt chân đến. “Dù kỹ thuật, kỹ xảo ngày nay tốt hơn trước thật, nhưng để làm được phải có tiền. Bối cảnh thì phải tìm ở những nơi tách khỏi môi trường sống hiện đại nhưng chúng tôi còn chẳng nghĩ tới việc dựng bối cảnh. Để xây một ngôi nhà để quay thì thà tìm một nhà để thuê còn đỡ tốn kém hơn”, đạo diễn chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc làm phim cuốn chiếu với thời gian 2 ngày/tập cũng khiến đạo diễn áp lực trong việc tìm diễn viên nhí. Thừa nhận thích những diễn viên nhí lần đầu diễn xuất hơn vì các em giữ được nét ngây thơ, dễ uốn nắn nhưng đạo diễn Minh Chung vẫn ngậm ngùi chấp nhận tìm đa số là các diễn viên nhí đã có nghề. Lý do được đưa ra là thời gian và kinh phí có hạn nên 2 ngày không đủ thời gian để chỉ bảo các diễn viên mới. Theo nam đạo diễn, các diễn viên nhí có nghề thì đa số từ chối cạo tóc ba chỏm vì còn phải quay phim khác, khiến ông rất vất vả mới tìm được người đồng ý cạo tóc. Chưa kể, làm phim thiếu nhi cũng phải tranh thủ vì các em nhỏ thích thì làm, không thích thì thôi. Nhiều khi, đoàn phim phải quay đến 2-3h đêm, hay có những ngày phải quay đến 15h mà không được ăn trưa vì phải phụ thuộc nhiều vào các em nhỏ.

Chia sẻ với Báo Giao thông về vấn đề làm việc với các diễn viên nhí, bà Lê Thị Phương Thủy, Giám đốc điều hành kênh HTV3 DreamsTV - đơn vị sản xuất và phát hành bộ phim khẳng định, nhà sản xuất tôn trọng tối đa quyền lợi, nhu cầu và nhịp điệu sinh hoạt của các em nhỏ tham gia diễn xuất của loạt phim này. “Hoạt động tổ chức sản xuất phải nương theo các em để đảm bảo cân bằng việc học, việc diễn và việc sinh hoạt hàng ngày của các em. Là một kênh giáo dục cho thiếu nhi, chúng tôi muốn các giá trị giáo dục mà mình theo đuổi được truyền tải không chỉ vào trong tác phẩm mà còn trong cả quá trình vận hành và sản xuất nội dung”, bà Thủy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.