Xem - ăn - chơi

Phim truyền hình phía Bắc "nóng bỏng" trên các diễn đàn

19/04/2017, 16:53

Gió đổi chiều khi thị trường phim phía Bắc sôi nổi, người xem đón nhận nồng nhiệt hơn hẳn phía Nam...

song-chung-me-chong 2

Sống chung với mẹ chồng đang là phim truyền hình ăn khách của miền Bắc

Phía Nam sản xuất phim náo nhiệt tới mức, họ khan hiếm diễn viên, khan hiếm đạo diễn. Diễn viên phía Nam chạy sô mệt nghỉ từ trường quay này đến trường quay khác, đến nỗi “tận thu” tới cả dàn “chân dài” hùng hậu, dàn ca sỹ trẻ đẹp và cả các hoa hậu. Có thời gian dài phim truyền hình phía Nam tạo nên những “cơn sốt” truyền thông như: Dốc tình, Bỗng dưng muốn khóc, Mùi ngò gai, Tuyết nhiệt đới...

Ngược lại, ở phía Bắc, thị trường phim truyền hình khá đìu hiu. Diễn viên phía Bắc “ngồi chơi xơi nước” cả năm đợi kịch bản. Phim ít tạo được sóng dư luận.

Nhưng giờ đây, mọi chuyện dường như xoay chuyển. Phim truyền hình phía Bắc đang nỗ lực vươn lên giành thị phần khán giả. Mới đây, hàng loạt phim của phía Bắc như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng tạo nên cơn sóng dư luận. Đã lâu lắm rồi người ta mới thấy phim truyền hình phía Bắc hot đến vậy. Bộ phim trở thành chủ đề bàn tán trên các trang báo và các trang mạng xã hội tạo độ hot về truyền thông.

Trong khi phim truyền hình phía Bắc đang tạo danh tiếng, nỗ lực tìm khán giả thì phim truyền hình phía Nam đã qua thời hoàng kim và đang lâm cảnh xế chiều. Phim truyền hình phía Nam, bên cạnh cuộc cạnh tranh khốc liệt của các gameshow còn bị áp lực về quảng cáo và rating, không ít đơn vị sản xuất phim “méo mặt” trước chỉ tiêu đặt ra của một số kênh truyền hình. Đầu tư tiền tỷ nhưng khi phim phát sóng, nhà sản xuất vẫn lo nguy cơ trắng tay. Những điều này đã làm nao núng tinh thần không ít đơn vị mới làm phim suốt một thời gian dài. Những cuộc “ra quân” khai máy phim mới của truyền hình phía Nam không còn rầm rộ, ồn ào nữa, thay vào đó là nỗi lo lắng phim làm xong thì… phát ở đâu.

Điều dễ thấy là trong 10 năm của thời hoàng kim, phim truyền hình phía Nam đã phát triển quá “nóng” và thiếu cân bằng, khi tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng không đồng đều, thậm chí ngày càng sụt giảm do nội dung và đề tài, diễn xuất… đi vào lối mòn, nhàm chán. Đã vậy, do yêu cầu phải phủ sóng liên tục từ sáng đến tối, lại quá nhiều khung giờ mở ra, khiến đội ngũ làm phim từ: Biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất… đều bị “sử dụng” quá tải.

Sự phát triển của truyền hình kỹ thuật số, truyền hình internet khiến việc quá nhiều kênh phát sóng phim mới trong cùng một khung giờ cũng tạo sự cạnh tranh khán giả cho chính phim Việt. Và sự bùng nổ của các loại hình giải trí khác trên mạng xã hội, internet, rạp chiếu phim… mang đến cho khán giả nhiều lựa chọn hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.