Điện ảnh

Phim truyền hình phía Nam đã qua cơn bĩ cực

19/12/2018, 07:59

Gạo nếp, gạo tẻ; Con gái bố già; Phận làm dâu… là những bộ phim đang “làm mưa, làm gió” trên màn ảnh nhỏ...

26

“Gạo nếp, gạo tẻ” là bộ phim góp phần đưa tên tuổi của Thuý Ngân, Lê Phương đi lên trong sự nghiệp

Từ thoái trào phim ảnh

Chục năm trở về trước là thời kỳ hoàng kim của khái niệm “phim Việt giờ vàng”, chỉ tiêu phát sóng của các đài tăng mạnh, lên đến hơn 50% thời lượng dành cho phim truyền hình, khiến người người làm phim. Số lượng tỉ lệ nghịch với chất lượng, dẫn đến tình trạng Đài HTV chỉ dành 4 khung giờ chiếu phim Việt mới, trong đó một khung giờ (22h) trên HTV9 và 3 khung giờ còn lại (12h30, 20h, 22h30) trên HTV7.

Có nhiều lý do để giải mã thực trạng phim truyền hình phía Nam thất bại thảm hại. Tuy nhiên, mẫu số chung vẫn xuất phát từ chủ quan của nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên. Đạo diễn Thạch Thảo nhận định: “Thời điểm phim truyền hình phía Nam phát triển mạnh vì quảng cáo chủ yếu thông qua truyền hình. Nhưng lúc đó, thay vì tập trung đầu tư kỹ lưỡng vào chất lượng nội dung, khai thác các yếu tố văn hóa Việt, cập nhật xu hướng làm phim, kỹ thuật làm phim mới thì các nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận, sản xuất ồ ạt khiến cho chất lượng phim ngày càng giảm sút. Hiện tại, truyền hình không còn là “mảnh đất” màu mỡ cho quảng cáo mà thay vào đó là digital với nhiều sự thông thoáng trong kiểm duyệt thì sự cạnh tranh là không tránh khỏi”.

Đạo diễn Phương Điền cũng đồng ý với việc sản xuất ồ ạt dẫn đến chất lượng và uy tín của phim truyền hình phía Nam đi vào ngõ cụt. “Cách đây hơn chục năm, có đến hơn 10 nhà sản xuất phim. Nhưng làm được 10 phim, có đến 6-7 phim không được nhà đài không nghiệm thu. Sau đó, họ phải bán sang cho kênh khác, các đài cũng “mua đại, chiếu đại” để lấp khung giờ nên ngày càng khiến khán giả chán nản với thương hiệu của đài, với dòng phim truyền hình miền Nam”, đạo diễn Phương Điền nói.

Bên cạnh đó, đạo diễn Thạch Thảo cho rằng, kịch bản vẫn là yếu tố quan trọng cho dòng phim truyền hình, cạnh đó là chất lượng của diễn viên không đảm bảo. Các đạo diễn, nhà sản xuất vẫn muốn ưu tiên những gương mặt ăn khách. Một số diễn viên mải mê “chạy sô” từ phim này qua phim khác dẫn đến việc chưa kịp “ngấm” vai này, đã phải lấy cảm xúc lại cho vai khác. Có diễn viên trong một năm, xuất hiện đến cả 20 phim truyền hình với cả vai chính lẫn vai phụ.

Đến cú lội ngược dòng ngoạn mục

Có thể nói, thời điểm này được gọi là cú lội ngược dòng của nền phim ảnh phía Nam. Chỉ nhìn vào thống kê mới nhất từ đầu năm đến hết tháng 11/2018 của Vietnam Tam (Hệ thống định lượng khán giả Việt Nam), trong top 20 phim truyền hình có lượt xem nhiều nhất tại khu vực TP HCM có đến 10 bộ phim của đơn vị sản xuất phía Nam thực hiện (chiếm 50%).

Trong đó, phải kể đến Phận làm dâu của đạo diễn Xuân Phước với rating trung bình mỗi tập là 2,77; Con gái bố già của đạo diễn Phương Điền là 2,73; rating trung bình của Duyên nợ ba sinh của đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc là 2,53; Ngậm ngùi của đạo diễn Trương Dũng là 2,23. Và bộ phim Trần Trung kỳ án của đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương dù được phát lại nhưng cũng nằm trong top 20 với con số rating trung bình là 2,11.

Trong năm 2018, bộ phim Gạo nếp, gạo tẻ của đạo diễn Võ Thạch Thảo cũng “làm mưa, làm gió” trên màn ảnh và các trang mạng xã hội. Chỉ sau 2 tháng ra mắt, bộ phim cán mốc 70 triệu lượt xem, trung bình mỗi tập có gần 5 triệu lượt xem sau khi phát lại trên YouTube. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bộ phim đang dần hạ nhiệt vì bị cho là quá dài dòng, lan man. Song, vẫn không thể phủ nhận những nỗ lực của ê-kíp trong việc đầu tư thời gian ghi hình, diễn xuất tròn vai của diễn viên.

Nhìn chung, với những thành tích trên, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc TFS (Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dù còn rất nhiều thách thức nhưng đó cũng là những tín hiệu tích cực ban đầu để các nhà sản xuất, đạo diễn phía Nam có nhiều động lực cố gắng mang lại những sản phẩm điện ảnh chất lượng cho khán giả. “Quãng thời gian điện ảnh phía Nam rơi vào thoái trào vừa là thời gian khủng hoảng của những người làm nghề, nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị tự nhìn lại chính mình và quan sát thực tế đầu tư về chuyên môn một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Những người có tài năng thực sự và tâm huyết với nghề, chắc chắn sẽ nhận được thành quả tốt đẹp”.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định, nghệ thuật thứ 7 của phía Nam đã trở lại thời hoàng kim trước đây. Tuy nhiên, nhìn các chỉ số rating chiếm sóng truyền thông, thì nền điện ảnh phía Nam đã khởi sắc sau hơn 10 năm bì bõm rớt giá. Để TFS hay những đơn vị sản xuất phía Nam thực hiện được cú lội ngược dòng như VFC (Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam) với loạt bom tấn truyền hình như: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Quỳnh búp bê… thì chắc chắn vẫn cần những hướng đi mới mẻ, táo bạo và sự đầu tư bài bản cả về kinh tế, nhân lực. Vì rõ ràng, khán giả Việt vẫn không hoàn toàn bỏ rơi phim truyền hình, thị trường vẫn không đánh bật những đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất có tâm, có tầm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.