Điện ảnh

Phim Việt có đủ sức “hồi sinh” phòng vé dịp cuối năm?

17/11/2020, 06:07

Phim Việt mùa cuối năm chính thức hé lộ những dự án “khủng” đến từ các đạo diễn tên tuổi cùng với nhiều gương mặt “bảo chứng phòng vé”.

img
“Phát đạn của kẻ điên” với sự tham gia của Hoa hậu H’Hen Niê dự kiến ra rạp vào tháng 12

Sau một năm thất bát tại rạp chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phim Việt mùa cuối năm chính thức hé lộ những dự án “khủng” đến từ các đạo diễn tên tuổi cùng với nhiều gương mặt “bảo chứng phòng vé”. Liệu doanh thu phòng vé có nhờ đó mà được cải thiện?

Thế độc tôn trên sân nhà

Gần 1 năm trì trệ bởi dịch Covid-19, rạp phim Việt cuối năm chứng kiến màn rượt đuổi gay cấn của hàng loạt dự án điện ảnh hấp dẫn.

Theo thống kê của trang Moveek, trong 2 tháng cuối năm, 7 dự án phim điện ảnh Việt chắc chắn ra rạp. Trong đó, tháng 11 có 4 phim là: “Sài Gòn trong cơn mưa” (Lê Minh Hoàng), “Chồng người ta” (Hữu Tiến), “Trái tim quái vật” (Tạ Nguyên Hiệp), “Bí mật của gió” (Nguyễn Phan Quang Bình). Tháng 12 các dự án: “Chị Mười Ba 2: 3 ngày sinh tử” (Võ Thanh Hòa), “578: Phát đạn của kẻ điên” (Lương Đình Dũng), “Người cần quên phải nhớ” (Đức Thịnh) chính thức trình làng.

So với năm 2019, năm nay ít hơn 3 phim nhưng số lượng phim được đánh giá là “nặng đô” cũng ngang ngửa. Cũng vì lẽ đó, phim Việt từ nay đến hết năm tại các hệ thống rạp được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới để xua đi không khí ảm đạm kể trên.

Năm nay, hết các phim bom tấn quốc tế như: “Black Widow”, “Wonder Woman 1984”, “Fast & Furious 9”, “A Quiet Place Part II”… bị dời lịch chiếu sang 2021, phim Việt cũng vì thế mà dễ dàng chiếm thế độc tôn trên sân nhà.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có “Ròm” (Trần Thanh Huy) và “Tiệc trăng máu” (Nguyễn Quang Dũng) được ra rạp sau khi dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng giải cơn khát ở các phòng vé trong nước. Trong đó, “Ròm” thu về 63 tỷ đồng sau hai tháng chiếu, “Tiệc trăng máu” đạt 120 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu và trở thành “phim trăm tỷ” thứ hai trong năm (tháng 2, “Gái già năm chiêu 3” (Bảo Nhân - Nam Cito) cán mốc 165 tỷ đồng sau 2 tuần phát hành).

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Nội dung CJ CGV Việt Nam cho biết, khi các phim bom tấn đồng loạt dời sang năm 2021, CGV đã có kế hoạch chọn lọc và đa dạng hóa các thể loại phim đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Á. Song, phim Việt vẫn chiếm số lượng đông đảo trong 2 tháng cuối năm 2020.

“Tính đến tháng 10 các cụm rạp của CGV đã phục hồi được 80% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù rất khó để đạt được doanh thu phim nội địa vượt mốc 1.000 tỷ đồng như năm 2019, nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng cho không khí rạp chiếu phim Việt những ngày cuối năm”, ông Hải nói.

Thực tế, trong những năm qua, điện ảnh Việt đang từng bước chinh phục khán giả trên sân nhà. Thị phần phim Việt tăng trưởng đáng kể, từ 30% vào năm 2018 lên đến gần 50% năm 2019... Năm nay, lượng phim Việt ở 2 tháng cuối năm chỉ chiếm tổng 20% số phim được ra mắt.

Nhìn sang các thị trường điện ảnh lớn của châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc, đến nay họ đã khôi phục lần lượt 100% và 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Mang lại doanh thu chính cho phòng vé chính là các phim nội địa, chứ không phải phim bom tấn nước ngoài. Cụ thể, tại Hàn Quốc, phim nội địa chiếm 50%, Trung Quốc là 60%, đặc biệt Ấn Độ lên tới 85%. Vì vậy, ông Nguyễn Hoàng Hải nhìn nhận, thời điểm này dù khó khăn, nhưng là cơ hội để phim Việt khẳng định vị thế trong lòng khán giả.

Từng bước thăm dò thị trường

img
Phim "Tiệc trăng máu" được khởi chiếu từ ngày 23/10

Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, phim nào sẽ tạo đột phá về doanh thu là điều rất khó nói trước vì còn phụ thuộc vào chất lượng phim và “gu” của khán giả.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, khẳng định sự thành bại của những bộ phim nội dịp cuối năm nay đang phụ thuộc nhiều vào thực lực của chính nhà sản xuất, đạo diễn với các hướng đi mới mẻ.

Thử nhìn vào trường hợp của “Tiệc trăng máu”, phim hấp dẫn không chỉ vì đến từ thương hiệu ăn khách của các phiên bản nước ngoài, mà hơn hết là kịch bản, nội dung độc lạ, mang tính châm biếm cao về tình thế của con người trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay.

Đây là một hướng đi thông minh của nhà sản xuất khi kế thừa được những giá trị cốt lõi của kịch bản gốc và khả năng lồng ghép những yếu tố văn hóa Việt duyên dáng.

Bản thân đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - người cầm trịch bộ phim thừa nhận, ban đầu anh và ê-kíp không thể hình dung nổi tương lai của bộ phim như thế nào. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi quy luật phòng vé của các năm đều bị phá vỡ.

“Đến thời điểm hiện tại, tất cả giới làm phim đều không thể lường trước được kịch bản cho việc ra mắt phim. Ai cũng đều có tâm lý dè chừng, từng bước thăm dò thị trường. Bởi, không ai biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại, tất cả các hoạt động quảng bá, ra mắt cũng đều bị ảnh hưởng. Hơn nữa, thu nhập của khán giả sau một năm “kinh tế buồn” vì Covid-19 cũng khiến họ có tâm lý đắn đo hơn trước đây. Đó cũng là lý do những dự án được đầu tư khủng như “Trạng Tí” (khoảng 1 triệu USD), “Lật mặt: 48 giờ”… đều được dời sang hẳn năm sau, bất chấp những thiệt hại về kinh tế”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.

Không riêng đạo diễn, khán giả, bản thân nhà sản xuất, nhà tài trợ cũng không mấy mặn mà cho việc đầu tư vào điện ảnh - dù đây là mảnh đất màu mỡ, nhanh chóng nhận được thành quả hơn so với các lĩnh vực khác.

Là người chịu trách nhiệm sản xuất nhiều dự án điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận, việc kêu gọi tài trợ trong thời gian này vô cùng khó khăn, bởi không mấy ai muốn mạo hiểm trong thời điểm này.

Theo CJ CGV Việt Nam, tính từ tháng 1 - 8/2020 chỉ có 14 phim Việt ra rạp, trong khi năm 2019 có 41 phim ra rạp, với tổng doanh thu 1.253 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, dự báo, trong giai đoạn 2020 - 2024, doanh thu chiếu phim tăng khoảng 15% và lượng người xem tăng 12%. Dự kiến đến năm 2024 sẽ có khoảng 100 triệu người đến rạp xem phim với doanh thu ước đạt 300 triệu USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.